“Tháng này lại thêm lỗ rồi”, Đức Trung (23 tuổi), chủ của một tổ hợp dịch vụ giải trí ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), thở dài.
Sau nhiều lần dịch COVID-19 bùng phát, doanh nghiệp còn non trẻ của chàng trai bị ảnh hưởng tương đối lớn.
Từ ngày 5/5, một lần nữa tổ hợp dịch vụ của anh phải tạm dừng 2 mô hình là phòng game và phòng tập nhảy theo yêu cầu của UBND Thành phố Hà Nội nhằm phòng, chống dịch COVID-19.
Chia sẻ với Zing, chàng trai trẻ cho biết: “Thú thực, hiện tôi rất nản chí và mệt mỏi sau gần một năm khởi nghiệp. Kể từ khi thành lập hồi tháng 7/2020 cho đến nay, công ty phải đối mặt với 3 đợt dịch bùng phát. Mỗi lần như vậy lại gây tổn thất ít nhiều đến các mảng hoạt động, dịch vụ của công ty”.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đều chịu tác động nặng nề, đặc biệt là các mô hình khởi nghiệp của những bạn trẻ. Dù đã chuẩn bị tinh thần, họ vẫn không khỏi lao đao trước mỗi đợt giãn cách xã hội.
Khó khăn chồng chất
Trước khi quyết định mở công ty riêng, bên cạnh việc quan sát, học hỏi từ những người đi trước và đang hoạt động cùng lĩnh vực, Đức Trung cũng tìm hiểu cách các doanh nghiệp xoay chuyển linh hoạt theo tình hình dịch bệnh để áp dụng.
Theo anh, để có được hướng đi khả thi trong thời buổi COVID-19, đầu tiên doanh nghiệp phải hiểu được cơ chế lây lan của dịch bệnh, rồi đến cách phòng, chống nó, từ đó mới triển khai một số biện pháp phù hợp để điều hành các mô hình dịch vụ trong tổ hợp.
Thế nhưng, sự dày công chuẩn bị của ông chủ 23 tuổi vẫn không thấm vào đâu so với những đợt bùng phát dịch bệnh bất ngờ.
Áp lực từ tiền thuê mặt bằng, chi phí vận hành, tiền lương nhân viên và các khoản phát sinh phục vụ cho việc phòng, chống dịch khiến cho các con số thống kê tài chính của công ty luôn ở mức âm.
“Hơn nữa, công ty mới thành lập, bộ máy nhân sự, quy trình làm việc vẫn còn trong quá trình hoàn thiện. Các dự án cũng mới ở mức trung bình, cộng thêm mô hình tổ hợp dịch vụ chưa được nhiều người biết đến, do đó chưa có nhiều nguồn thu”, Đức Trung chia sẻ.
“Khởi nghiệp đúng thời buổi dịch bệnh nên khó khăn là gấp đôi, gấp ba lần so với bình thường”, anh khẳng định.
Nguyễn Minh Anh (24 tuổi), chủ một nhà hàng trên phố Bát Đàn (Hà Nội), cũng có nhận định tương tự.
“Lúc quyết định khởi nghiệp trong thời điểm COVID-19 vẫn còn hoành hành, tôi cũng xác định rằng mình là ‘cá bơi ngược dòng’ nên đã chuẩn bị sẵn tâm thế đón nhận tin xấu. Thế nhưng, vẫn có những tình huống chẳng thể lường trước được”, anh cho biết.
Từ ngày khai trương hồi tháng 10/2020, doanh nghiệp của anh đã đối mặt với 2 lần bùng phát dịch bệnh. Có những ngày nhà hàng phải tiếp nhận cuộc gọi hủy bàn của gần 300 thực khách.
“Những lần bùng phát dịch như vậy, doanh thu của nhà hàng bị ảnh hưởng kinh khủng”, Minh Anh nói với Zing.
Tình trạng kinh doanh quán cà phê nằm trong khu phố cổ của Ngọc Bách (25 tuổi) cũng không khấm khá hơn là mấy. Anh thừa nhận vừa chống dịch, vừa kinh doanh là “siêu khó” vì có quá nhiều thứ để lo, cộng thêm áp lực về tài chính.
Chia sẻ với Zing, anh cho biết: “Tôi mới mở quán hồi cuối tháng 1 vừa qua theo mô hình thuê tài chính. Tôi cố gắng tối thiểu hóa các chi phí hàng tháng, cả phần cố định lẫn phát sinh, một phần để phòng tránh lúc dịch bùng phát. Tôi cũng liên kết với các ứng dụng đặt đồ ăn uống trực tuyến”.
“Thế nhưng, chuẩn bị trước kỹ càng thì cũng chỉ hỗ trợ quán phần ít thôi. Dịch vẫn ảnh hưởng sâu, quán lại mới, giá cả trên các ứng dụng thì bị độn phí cao nên ít khách đặt mua lắm. Dù vẫn trong diện được kinh doanh, chắc tôi phải tạm đóng cửa sớm với tình hình này”, Ngọc Bách nói thêm.
Tiếp tục hy vọng
Mệt mỏi là vậy nhưng nhiều bạn trẻ khởi nghiệp như Đức Trung vẫn duy trì, cố gắng trụ vững qua đợt bùng phát COVID-19 mới. Anh thừa nhận chính niềm đam mê và sự quyết tâm đã giúp bản thân tiếp tục công việc.
“Xét trên phương diện kinh doanh, đương nhiên lệnh đóng cửa là một tin rất buồn. Tuy nhiên, tôi hy vọng với các biện pháp quyết liệt như vậy, dịch sẽ sớm được kiểm soát. Khi đó xã hội sẽ trở lại bình thường, tổ hợp dịch vụ của tôi nhanh chóng về với quỹ đạo thường nhật và việc kinh doanh có cơ hội mới để phát triển”, anh chia sẻ.
Trong khi đó, Minh Anh vẫn cảm thấy khá may mắn so với nhiều nhà hàng, cơ sở dịch vụ khác bởi doanh nghiệp của anh chưa ghi nhận trường hợp dương tính COVID-19 nào ghé qua.
Anh cho biết nhà hàng chủ động thực hiện giãn cách giữa các bàn ăn, đo thân nhiệt và nhắc thực khách rửa tay sát khuẩn từ khi xuất hiện ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.
Tuy nhiên, trước tình hình căng thẳng hiện nay, Minh Anh muốn tạm thời ngừng kinh doanh để đảm bảo sức khỏe cho cả khách hàng và nhân viên.
“Quán tôi không thuộc diện phải đóng cửa. Thế nhưng, do bản thân cảm thấy đợt dịch mới này bùng phát mạnh, tôi chủ động tạm thời đóng cửa nhà hàng để theo dõi thêm, đồng thời chung tay dập dịch sớm cùng xã hội. Dù sao, sức khỏe của mọi người vẫn là trên hết”, anh nói..
Theo https://zingnews.vn
Ý kiến bạn đọc