Theo một số nguồn thạo tin, thương hiệu bán lẻ hàng tiêu dùng có trụ sở tại Trung Quốc, Miniso đang lên kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), dự kiến thu về khoảng 1 tỷ USD.
Nguồn tin thân cận từ chối tiết lộ danh tính cho biết công ty đang mời các ngân hàng bảo lãnh cho thương vụ IPO sắp tới. Việc bán cổ phiếu có thể diễn ra ở Hong Kong hoặc Mỹ, tuy nhiên lịch trình chính thức vẫn chưa được quyết định.
Miniso được đồng sáng lập bởi nhà thiết kế Nhật Bản Miyake Junya và doanh nhân Trung Quốc Ye Guofu vào năm 2013. Hãng thiết kế các sản phẩm của mình tại Nhật Bản và có hơn 3.500 cửa hàng trên 80 quốc gia bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Brazil, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Nga… Công ty đã công bố doanh thu 17 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,5 tỷ USD) trong năm 2018.
Chia sẻ với báo chí, ông Miyake nói rằng Ye Guofu quản lý đội ngũ phát triển sản phẩm ở Trung Quốc trong khi ông quản lý đội ngũ thiết kế ở Tokyo và họ đặt trụ sở Miniso tại Nhật. Vì vậy, đây được coi là thương hiệu liên minh giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Kể từ khi ra mắt trên thị trường, Miniso đã trở thành hiện tượng gây sốt, đặc biệt là với đối tượng người tiêu dùng trẻ. Mô hình kinh doanh "ba cao, ba thấp" của họ đã đem lại doanh thu hàng tỷ USD trong một vài năm gần đây. Cụ thể, "ba cao, ba thấp" bao gồm: Công nghệ cao, chất lượng cao, hiệu quả ca và giá thấp, chi phí thấp, lợi nhuận thấp".
Tencent Holdings Ltd. và Hillhouse Capital đã đầu tư 1 tỷ nhân dân tệ vào nhà bán lẻ này năm ngoái trong vòng gọi vốn đầu tiên.
Cũng theo nguồn thạo tin, các vấn đề liên quan vẫn đang ở giai đoạn đầu và chi tiết về thương vụ IPO như quy mô gây quỹ có thể thay đổi khi cần thiết. Trả lời email của Bloomberg, một đại diện cho biết công ty sẽ không tiết lộ bất kỳ thông tin bổ sung nào sau khi thông báo kế hoạch IPO vào tháng 1 năm ngoái.
Từ khi ra đời, Miniso luôn được so sánh với Muji, nhà bán lẻ tối giản thuộc sở hữu của Ryohin Keikaku Co., thương hiệu theo phong cách "không thương hiệu", chất lượng cao và không logo.
Ông Satoru Matsuzaki, Chủ tịch của công ty điều hành Muji từng chia sẻ tại một hội nghị: "Chúng tôi tin rằng mình có thể ‘giải phóng’ người tiêu dùng bằng cách loại bỏ tất cả những yếu tố không cần thiết ở sản phẩm của mình. Tất cả sản phẩm của chúng tôi đều hướng tới những điều cơ bản nhất và rất dễ sử dụng. Chính khách hàng là người đã làm tăng giá trị cho chúng".
Muji được cho là một trong những công ty "ngược đời" nhất thế giới. Trong khi nhiều nhà thiết kế khác đang cố gắng tạo ra sản phẩm mới và phức tạp hơn để thu hút thêm người mua thì Muji lại tìm cách để tối giản hóa một cách tối đa. Chiến lược này của hãng được coi là "phản thiết kế, phản tiêu dùng" nhưng lại đem lại hiệu quả và thành công không ngờ.
Tuy nhiên, tại thị trường Trung Quốc, Muji đã gặp rất nhiều thách thức với nạn sao chép sản phẩm. Ryohin Keikaku tỏ ra rất bức xúc về sự gia tăng số lượng các cửa hàng bắt chước cả về sản phẩm và thiết kế nội thất của Muji thật tại Trung Quốc. Hãng thậm chí còn cảnh báo sẽ đâm đơn kiện những cửa hàng này.
Ý kiến bạn đọc