Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 3/11, Phó Chủ tịch Amvesindo, ông William Gozali cho biết, mặc dù vốn đầu tư có thể thấp hơn so với năm ngoái song cơ hội tài trợ cho các start-up trong nước vẫn còn khá lớn.
Phát biểu tại một sự kiện truyền thông trực tuyến, ông Gozali cho biết: "Nếu hết quý IV thu hút được khoảng 2 tỷ USD, tổng vốn đầu tư cho các start-up trong năm nay vẫn sẽ thấp hơn so với 2019. Ngoài ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sự sụt giảm này là do chu kỳ tài trợ".
Trước đó năm 2019, các start-up Indonesia đã thu hút 2,9 tỷ USD vốn đầu tư, cao hơn mức 1,4 tỷ USD của năm 2018. Ông Gozali cũng cho rằng vẫn còn rất nhiều dư địa để các công ty đầu tư mạo hiểm phát triển cùng với các công ty khởi nghiệp trong nước. Mặc dù giá trị đầu tư có thể giảm song Phó Chủ tịch Amvesindo khẳng định rằng số lượng các giao dịch sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.
Số liệu của Amvesindo cũng cho thấy tính đến cuối tháng Chín vừa qua, hầu hết các giao dịch tập trung vào các công ty công nghệ tài chính (8 giao dịch), tiếp đó là lĩnh vực công nghệ giáo dục (6 giao dịch), sản xuất phần mềm (6 giao dịch), bán lẻ (5 giao dịch), hậu cần và thương mại điện tử (cùng có 4 giao dịch).
Amvesindo lưu ý rằng vốn tài trợ của 6 giao dịch lớn nhất vẫn khá lớn, trong khoảng từ 20 triệu đến 109 triệu USD. Cụ thể, nhà điều hành chuỗi nhà hàng Kopi Kenanga nhận được số vốn tài trợ trị giá 109 triệu USD, tiếp đó là Cargo Technology (31 triệu USD), Gudang Ada (25,4 tỷ USD), Investree (23,5 triệu USD), Koinworks (20 triệu USD), và Shipper (20 triệu USD).
Ý kiến bạn đọc