Dạy nghề & dạy khởi nghiệp

Thứ hai - 14/12/2020 03:14 323 0

Dạy nghề & dạy khởi nghiệp

Các doanh nghiệp đang khan hiếm nguồn nhân lực kỹ thuật cao.

Muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng hơn 7,5% mỗi năm trong nhiều năm tới”, đó là lời Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam nói với học sinh, sinh viên tại Hội thảo Kết nối nguồn lực hỗ trợ học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp khởi nghiệp thời kỳ 4.0. Và điều đó đòi hỏi chúng ta phải đào tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao với nhiều ý tưởng khởi nghiệp…

Biến nhân lực thành lợi thế cạnh tranh

Việt Nam cũng như trên toàn thế giới đang bước vào cách mạng công nghiệp 4.0. Chính cuộc cách mạng này đang mang lại nhiều cơ hội, thách thức cho các quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp (DN) phát triển. Một thách thức lớn mà chúng ta thấy rõ là làm sao có đội ngũ nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật. Nhiều chuyên gia lao động đã nhấn mạnh, tính cạnh tranh trong cách mạng công nghiệp 4.0 chính là về nhân lực. Ở Việt Nam, ngoài áp lực cạnh tranh về nhân lực, chúng ta cũng đang phải đối diện những vấn đề như sự thay đổi sâu sắc trước những tác động của biến đổi khí hậu, già hóa dân số, dịch bệnh và nhất là đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Ở đây, nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định là nguồn nhân lực có trí tuệ, tay nghề, năng lực vượt trội để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0. Với điều kiện của mình, Việt Nam phải làm sao biến nhân lực thành một lợi thế. Muốn vậy, phải lựa chọn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đó là chìa khóa nâng cao năng suất lao động và tính cạnh tranh của Việt Nam. Ðó là cách giúp chúng ta giải quyết tốt bài toán cung cầu nhân lực giữa nhà trường và thị trường.

Xét về mặt bằng chung hiện nay, chúng ta vẫn trong tình trạng lãng phí nhân lực vì vẫn còn tình trạng phải đào tạo lại,  người lao động làm việc không phù hợp ngành nghề, trình độ chuyên môn và tay nghề được đào tạo. Các chuyên gia lao động cho rằng, điều kiện để lao động Việt Nam có thể học tập, làm việc được ở mọi nơi trên thế giới cần hội tụ các yếu tố ngoại ngữ, kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc, hiểu biết văn hóa nước sở tại, sức khỏe tốt. Trong khi đó, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng thực hành của lao động Việt Nam còn yếu và chưa thật sự có tác phong công nghiệp...

Kết nối trong quá trình đào tạo

Ðể thực hiện mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế, hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) đã, đang  đầu tư và phát triển các trường nghề chất lượng cao, quy hoạch các ngành, nghề trọng điểm, chuyển giao chương trình đào tạo từ các nước phát triển. Với hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hằng năm cả nước có hơn hai triệu học sinh, sinh viên tốt nghiệp. Tuy nhiên, để các sinh viên ra trường vừa đạt được tiêu chuẩn chất lượng quốc tế vừa đáp ứng nhu cầu xã hội đang là vấn đề lớn đối với các trường.

Bàn về vấn đề này, ông Lê Ðăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Chúng ta hợp tác với các DN, nhất là các DN đầu tư nước ngoài có công nghệ hiện đại. Các trường đào tạo nghề của Việt Nam kết hợp với họ, đào tạo theo đúng chương trình của họ thì sẽ có người giỏi, lương cao hơn và có động lực để người tài phát huy”.

Nhưng để gắn việc đào tạo chất lượng cao với khởi nghiệp thì ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Vườn ươm tạo khởi nghiệp Công viên phần mềm Quang Trung - TP Hồ Chí Minh lại lo lắng, vì hầu hết mô hình truyền thống của các trường cao đẳng, trung cấp hiện nay là truyền nghề, dạy nghề. Ðó là lý do làm cho học sinh tiếp nhận kỹ năng nghề một cách thụ động, mất tính sáng tạo. Vì vậy, các cơ sở dạy nghề phải thay đổi tư duy giảng dạy, chuyển từ dạy nghề sang dạy khởi nghiệp, sáng tạo cho học sinh, sinh viên.

Do đó cần nhiều giải pháp đồng bộ để thật sự thúc đẩy việc đào tạo ra lao động có chất lượng cao gắn với thực tế sử dụng. Theo GS,TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học - Tâm lý - Giáo dục Việt Nam thì các cơ sở sản xuất, các trung tâm nghiên cứu khoa học phải có cơ chế để đỡ đầu những học sinh có năng khiếu, có lòng say mê. Ðồng quan điểm ấy, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, quan tâm thêm tới cách phân luồng học sinh, đào tạo học sinh vào giáo dục nghề nghiệp, quy hoạch, sắp xếp lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ cấu lại ngành nghề đào tạo phù hợp, rất cần kết nối với DN trong quá trình đào tạo. Các chính sách nên xác định cụ thể nguồn tài chính cho phát triển nguồn nhân lực. Cần đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường huy động các nguồn vốn cho phát triển nguồn nhân lực từ tất cả các thành viên xã hội. Ðổi mới mạnh mẽ giáo dục và đào tạo theo hướng thực hiện cơ chế tự chủ cho các cơ sở giáo dục và đào tạo. Tập trung nâng cao trình độ ngoại ngữ, các kỹ năng sống cũng như thái độ của công dân toàn cầu. Xây dựng nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục và đào tạo phù hợp chuẩn quốc tế; chú trọng đào tạo kỹ năng cho người học, nhất là ở các trường nghề bằng cách tăng thời lượng thực hành, bớt thời lượng giảng dạy lý thuyết.

Bạn đang đọc bài viết Dạy nghề & dạy khởi nghiệp tại chuyên mục Quốc gia khởi nghiệp của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư khoinghiep@dddn.com.vn, SĐT: (+844) 3.5772400

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây