Theo bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch mạng lưới đầu tư thiên thần Việt Nam, nguồn nhân lực chính là nguồn lực quan trọng nhất của hệ sinh thái.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cũng cho rằng, chúng ta thiếu rất nhiều nhân lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hiện nay. Bởi nhân lực cho hệ sinh thái này không chỉ là những người khởi nghiệp, mà còn là các nhà tư vấn, các chuyên gia và các chủ doanh nghiệp thành công quay lại hỗ trợ cho khởi nghiệp...
“Nếu có đủ các nhân lực này chúng ta mới hoàn thiện được hệ sinh thái và có đủ nguồn lực hỗ trợ cho hệ sinh thái phát triển. Được sự chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi đang xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý để phát triển hệ sinh thái này, nhưng trực tiếp thực hiện phải là cộng đồng doanh nghiệp”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.
Gợi ý về hệ thống 16.000 du học sinh Việt Nam tại nước ngoài, bà Phi Vân đặt vấn đề có cần giải pháp thu hút nguồn nhân lực này? Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, Chính phủ đang có những chính sách thu hút tổng thể cũng như những chương trình hỗ trợ cụ thể cho việc thu hút các nguồn lực từ nước ngoài-những người có cơ hội tiếp xúc với công nghệ kỹ thuật cao về nước để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong nước.
Trong khi đó, ở góc độ đơn vị phụ trách việc trực tiếp đào tạo nhân lực, bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, việc đổi mới giáo dục đã được thực hiện tiên phong và mạnh mẽ. Bộ GD&ĐT cũng phối hợp với các Bộ ngành kết nối thực hiện các chương trình.
Tuy nhiên không dừng lại ở việc đào tạo kiến thức cho nguồn nhân lực, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết cần bổ sung những kỹ năng phát triển thị trường cho các startup.
“Thực tế các dự án nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ dừng lại ở nghiên cứu sản phẩm, chứ không thể tiến hành đưa sản phẩm ra thị trường. Do đó, cần giai đoạn phía sau là đưa ra sản phẩm, thương mại sản phẩm đó với các yếu tố đủ sức cạnh tranh. Bộ KH&CN đã có các chương trình đào tạo kiến thức phát triển thị trường cho các startup”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết.
Đồng quan điểm, bà Caitlin Wiesen, đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) nhấn mạnh cần có sự ươm tạo, cố vấn cho các startup phát triển các ý tưởng khởi nghiệp.
“Đặc biệt câu chuyện kết nối cần được thực hiện giữa các startup, kết nối giữa các tổ chức trong và ngoài nước, tạo ra các sản phẩm quan trọng mang ý nghĩa xã hội, hỗ trợ cho cộng đồng ví dụ như nhiều sản phẩm tuyệt vời của các doanh nghiệp khởi nghiệp được phát triển ngay trong tâm dịch COVID-19”, bà Caitlin Wiesen chia sẻ.
Đại diện UNDP đồng thời khẳng định phải có vườn ươm có chương trình đổi mới sáng tạo trong chương trình đào tạo cùng những chương trình sáng kiến để hỗ trợ các startup không chỉ ở trung ương mà còn ở các địa phương.
Đặc biệt nói đến sự hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bà Caitlin Wiesen cho biết, UNDP căn cứ trên các bộ chỉ số về môi trường kinh doanh, các chỉ số của từng ngành để định hướng, thúc đẩy phát triển cho các startup.
Khẳng định các doanh nghiệp có mô hình khởi nghiệp thành công chính là sự lan toả, thuyết phục và chinh phục những startup có hoài bão kinh doanh, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết VCCI đang thực hiện việc kết nối các doanh nghiệp thành công này với các startup.
“Các doanh nghiệp đã khởi nghiệp thành công sẽ chính là các nhà đầu tư cho các startup, thúc đẩy các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo được triển khai đi vào thực tế”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Ý kiến bạn đọc