Tạo điều kiện để sinh viên trường nghề khởi nghiệp

Thứ sáu - 27/11/2020 00:11 364 0

Sinh viên rất cần sự hỗ trợ để khởi nghiệp thành công.

Sinh viên rất cần sự hỗ trợ để khởi nghiệp thành công.

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp từ nhà trường

Thống kê của Bộ LĐTBXH cho thấy, cả nước có 1.909 cơ sở GDNN với khoảng 2,2 triệu người tốt nghiệp hàng năm. Trong đó số học sinh trung cấp (TC), sinh viên cao đẳng (CĐ) khoảng 545.000 người, trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khoảng 1,6 triệu người… Đây là lực lượng lao động qua đào tạo quan trọng cho các ngành nghề sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Tuy nhiên, số người học tốt nghiệp từ các cơ sở GDNN chủ động tìm việc làm, tự tạo việc làm, khởi nghiệp chưa cao.

Theo ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, khó khăn từ phía các cơ sở GDNN là còn thiếu về đội ngũ thúc đẩy tinh thần và kinh nghiệm hỗ trợ tinh thần khởi nghiệp, thiếu không gian khởi nghiệp, thiếu môi trường tìm kiếm ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp; kết nối doanh nghiệp đồng hành cùng sinh viên khởi nghiệp còn mờ nhạt; sinh viên chưa có kiến thức, kỹ năng và chưa tự tin, mạnh dạn tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp trong ngành nghề được đào tạo…

Ở góc độ cơ sở đào tạo, PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại cho rằng, do thời gian đào tạo ngắn (từ 2 đến 3 năm), học sinh sinh viên không có nhiều thời gian nghiên cứu sâu về các kiến thức khởi nghiệp, các em chủ yếu tự học hỏi, tìm hiểu, dẫn đến các dự án khởi nghiệp chưa mang lại hiệu quả, khả thi cao. Chưa kể, dù học sinh sinh viên có những ý tưởng tốt, nhưng không phải ý tưởng nào cũng có thể triển khai dự án khởi nghiệp thành công.

Mặc dù một số trường CĐ, TC thời gian qua đã chủ động tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp nhưng chủ yếu vẫn trong tình trạng đơn lẻ. Đây là nhận định chung của các chuyên gia khi nhìn nhận về những thách thức của các hoạt động khởi nghiệp của sinh viên nghề hiện nay.

Kết hợp đồng bộ các giải pháp

Trước những khó khăn khiến hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp của học sinh, sinh viên chưa đạt hiệu quả như mong đợi, Bộ LĐTBXH đã đề ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên tại các cơ sở GDNN khởi nghiệp trên toàn quốc. Đồng thời huy động, thu hút sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp, quỹ đầu tư và các tổ chức, cá nhân hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.

Cụ thể, Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” đặt ra chỉ tiêu 70% số trường CĐ, TC tham gia chương trình và mỗi trường có ít nhất 5 ý tưởng, dự án khởi nghiệp/trường được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ mạo hiểm; 50% số trường CĐ, TC hình thành các trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp hoặc các câu lạc bộ khởi nghiệp theo lĩnh vực.

Về phía Tổng cục GDNN đã có những hỗ trợ một cách toàn diện cho cơ sở GDNN, để các em có thể khởi nghiệp. Theo ông Đỗ Năng Khánh, Tổng cục đã hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp huy động vốn, tư vấn giải pháp, huy động kinh nghiệm… Ngoài ra, còn kết nối với các đơn vị khác để huy động sức mạnh giúp học sinh, sinh viên khởi nghiệp thành công.

Việc tổ chức “Ngày hội khởi nghiệp” cho học sinh, sinh viên các cơ sở GDNN không chỉ tạo cho các bạn học sinh, sinh viên có một sân chơi chung về sáng tạo khởi nghiệp và thành công. Qua đó làm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, khởi nghiệp, thúc đẩy các bạn trẻ tin tưởng lựa chọn GDNN để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của đất nước, yêu cầu cần có kỹ năng nghề cao, có khả năng thích ứng với sự thay đổi của khoa học công nghệ, của việc làm và cũng chính là những nhân tố làm nên sự thay đổi của khoa học công nghệ thông qua tư duy đổi mới, sáng tạo.

Kinh nghiệm của Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội (HNIVC) là chú trọng xây dựng và phát triển mô hình “Câu lạc bộ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo HNIVC”, từ đó tạo ra nguồn nhân lực trẻ có kỹ năng chuyên môn cao, năng lực làm việc thực sự năng động, sáng tạo trong việc tiếp cận công nghệ, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động theo hướng phát triển của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, cùng hội nhập với thị trường lao động quốc tế.

Sau khóa học các em học được các kiến thức, kỹ năng về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, biết cách khởi sự doanh nghiệp cho mình. Từ mô hình này đã truyền động lực, kiến thức và kinh nghiệm thực tế để lan tỏa trong học viên, sinh viên toàn trường tinh thần sẵn sàng khởi nghiệp” – đại diện nhà trường chia sẻ.

Ông Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp phần mềm Quang Trung (TP HCM) cho rằng, thực trạng đào tạo nghề hiện nay của các trường TC, CĐ chủ yếu theo mô hình truyền thống, tức là truyền nghề, dạy nghề nên học sinh, sinh viên chỉ tiếp nhận kỹ năng nghề một cách thụ động. Vì thế, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần thay đổi tư duy giảng dạy, chuyển từ dạy nghề sang dạy khởi nghiệp, sáng tạo.

Bạn đang đọc bài viết Tạo điều kiện để sinh viên trường nghề khởi nghiệp tại chuyên mục Quốc gia khởi nghiệp của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư khoinghiep@dddn.com.vn, SĐT: (+844) 3.5772400

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây