Lối vào trang trại bò sữa, hai bên đường cỏ voi um tùm. Khắp thôn xóm được bao quanh bởi những ruộng cỏ voi, ruộng ngô xanh ngắt một màu.
Trang trại bò sữa của anh Nguyễn Danh Được ở xóm 7, xã Minh Châu (Ba Vì, Hà Nội) đang rất nhộn nhịp. Người đưa cỏ vào máy cắt, người vệ sinh chuồng trại, chuẩn bị vắt sữa. Mỗi người một việc, ai cũng luôn chân luôn tay để kịp giờ mang sữa bò đi cân.
Lau vội giọt mồ hôi trên trán, anh Được chia sẻ: “Nhà tôi nuôi bò sữa mới được 9 năm. Trong làng có nhiều hộ nuôi hơn chục năm nay. Họ mát tay lắm, làm ăn khấm khá, chứ mình vẫn chưa ăn thua gì”.
Trước đây, khi chưa nuôi bò sữa, anh Được còn đi làm thuê, làm thợ xây nắng mưa vất vả mà lương chỉ hơn trăm ngàn/ngày. Thỉnh thoảng nhà có buồng chuối hay mớ rau, vợ anh mang ra chợ bán túc tắc được đồng nào hay đồng ấy. Cuộc sống khó khăn vất vả, chỉ mong đủ ăn chứ chưa dám nghĩ có của ăn của để, dư dả như bây giờ.
Cách đây 9 năm, anh Được dồn hết tiền tiết kiệm, vay thêm người thân để mua 6 con bò sữa.“Thời điểm ấy, nhà tôi nuôi vài chục con lợn. Song, dịch bệnh liên miên, giá cả bấp bênh, lỗ nhiều hơn lãi. Cộng thêm dịch cúm gia cầm bùng phát, nhiều hộ quanh vùng lỗ nặng, nợ nần chồng chất khiến tôi hoang mang tìm hướng đi mới mong thoát cảnh lo ăn từng bữa”, anh nói.
Năm 2011-2012, nuôi bò sữa cho thu nhập khá, bán sữa đến đâu cho thu tiền tươi đến đó, đầu ra lại ổn định. Thấy vậy, vợ chồng anh quyết làm liều, dành hết số tiền tiết kiệm được đôi ba trăm triệu, còn lại vay mượn của anh em một vài triệu, mỗi người một ít mua 6 con bò sữa gây dựng sự nghiệp.
Chị Bình - vợ anh Được - thú nhận, lúc đó bỏ 50-80 triệu đồng ra mua một con bò sữa, vừa làm vừa sợ, chẳng may thất bại thì coi như mất cả một gia tài.
Năm đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm, vợ chồng chị nuôi khá chật vật. Con thì đẻ non, con thì bị đau chân, bệnh tật, phải chăm từng li từng tí khá vất vả. “Nuôi bò ngang với đánh bạc, nhiều lúc mất ăn mất ngủ nhưng đã đầu tư thì phải cố gắng để lấy lại vốn, không thể quay về làm thuê làm mướn như trước, mãi không thoát được áp lực cơm áo gạo tiền”, chị nói.
Vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, học hỏi từ những hộ nuôi trước, dần dần đàn bò nhà anh phát triển tốt, không còn bị bệnh tật như trước nên cho sữa đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, số lượng nuôi ban đầu còn ít nên mỗi ngày, anh chỉ vắt được khoảng 1 tạ sữa, với giá bán lúc đó chỉ từ 10.000-12.000 đồng/kg.
Thấy có hiệu quả nên từ đó anh càng làm càng ham. Tiền bán sữa được bao nhiêu, anh lại tích cóp để mua thêm bò trưởng thành, gây dựng mở rộng thêm chuồng trại, đầu tư máy vắt,...
Mỗi năm, anh mua thêm vài con. Đến nay, tổng số lượng đàn bò sữa của gia đình anh lên đến 55 con, chia làm 4 dãy chuồng bò, thuộc diện nhiều nhất nhì trong vùng. Ước tính, tổng giá trị đàn bò khoảng 2,7 tỷ đồng.
Mỗi ngày, đàn bò cho vắt sữa hai lần vào lúc 4 giờ sáng và 4 giờ chiều. Hiện chỉ có 34 con bò cho khai thác sữa, sản lượng đạt 7-7,5 tạ/ngày. Toàn bộ số sữa đều được doanh nghiệp thu mua hết với giá 14.000 đồng/kg.
Vì chăn luôn liên kết nên doanh nghiệp sẽ cung cấp cám cho bò, thu mua sữa. Mỗi tuần một lần, họ thống kê số sữa bán ra và số tiền thu được. Sau khi trừ tiền cám, số còn lại họ sẽ chuyển thẳng vào tài khoản cho các hộ nuôi.
“Trừ hết chi phí, mỗi tháng gia đình tôi lãi khoảng 150 triệu đồng. Một năm đút túi khoảng 1,8 tỷ đồng”, anh Được tiết lộ.
Để có đủ lượng thức ăn cho bò, với 30-40 kg/ngày, gia đình anh Được trồng cả chục mẫu cỏ voi và ngô. “Thành thật mà nói, từ ngày nuôi bò sữa, vợ chồng tôi mới có cơ hội đếm tiền tỷ”, anh tâm sự. Song, dù đã thuê thêm 2 người làm nhưng công việc ở trang trại vợ chồng anh vẫn trực tiếp làm, khá vất vả.
Ngày nào, anh chị cũng dậy từ 3h30 sáng để chuẩn bị vắt sữa, rồi lại làm quần quật, tắm rửa cho bò 2-3 lần/ngày, dọn chuồng trại, cắt cỏ, băm cỏ cho tới 7-8 giờ tối mới nghỉ. Quanh năm ngày tháng làm không hết việc, ngày làm hơn 10 tiếng đồng là chuyện thường, lễ Tết đều không có ngày nghỉ.
Theo anh Được, trong chăn nuôi bò sữa, khâu quan trọng là phải chọn mua được con giống tốt. Do đó, phải chọn những con bò cao, háng rộng, lông mướt bóng, chân cẳng khỏe, vú thưa, núm vú đều đặn,... Bên cạnh đó, phải luôn đảm bảo vệ sinh, chuồng trại thoáng mát, sạch sẽ, thậm chí chăm bò tỉ mỉ hơn chăm con.
Theo https://khoinghiep.org.vn/
Ý kiến bạn đọc