Người vượt qua 9 lần khởi nghiệp thất bại

Thứ ba - 09/02/2021 04:07 464 0

 

Gian nan con đường khởi nghiệp

Phan Xuân Diện (SN 1977) sinh ra tại quê lúa huyện Yên Thành (Nghệ An) nên có niềm yêu thích với nông nghiệp. Sau khi học xong, do cơ duyên nên anh đến huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) lập nghiệp. Nhiều năm cố gắng và phấn đấu, anh đã được cấp trên tín nhiệm giao giữ cương vị Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Con Cuông.

Anh Diện cho hay: “Con Cuông có hệ sinh thái vô cùng đa dạng. Đặc biệt, vùng đất này được thiên nhiên ban tặng nhiều ưu đãi về khí hậu và thổ nhưỡng trong vùng đệm vườn quốc gia Pù Mát. Địa hình đồi núi rộng, có tiềm năng phát triển nhưng đáng tiếc là chưa phát huy hiệu quả”.

Anh Diện kể, trước đây bà con chủ yếu là trồng cây mía, ngô, khoai, lạc…. là cây hoa màu thời vụ, trồng và chăm sóc rất khó khăn. Loại cây này đòi hỏi chăm sóc cao, đầu ra không ổn định và đặc biệt nếu được mùa thì sẽ mất giá. Vì vậy, thời điểm này anh vừa làm công tác tại UBND huyện Con Cuông, cũng đồng thời bắt đầu tính đến chuyện tìm một mô hình nông nghiệp thích hợp để phát triển kinh tế.

Từ năm 2008 đến nay, anh đã khởi nghiệp tới 9 lần nhưng đều thất bại trong việc trồng hoa ly, nuôi nhím, chăn nuôi gà,… Tuy nhiên, anh đã tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Bước ngoặt xuất phát từ một buổi hội thảo năm 2015 về phát triển cây dược liệu. Thời điểm này, anh đang là Phó phòng. Nhận thấy đây là con đường mình đang tìm kiếm nhiều năm nay, anh đã mạnh dạn đưa cây dược liệu về tiến hành trồng thử trên đất, và thực sự nó đã đem lại kết quả bất ngờ. Vì vậy, năm 2016, anh đã có một quyết định gặp phải sự phản đối từ gia đình và người thân - xin nghỉ việc.

Nhớ về việc này, ông Vi Văn Sơn - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông - kể: “Lúc tôi nghe tin thì đã gọi riêng Diện vào phòng để nói chuyện. Đây là một nhân tài, một người hết lòng vì công việc, có nhiều đóng góp cho phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện, vì thế không thể vô cớ mà xin nghỉ được. Nhưng sau một buổi nói chuyện, biết được chí hướng của Diện thì tôi tôn trọng ý kiến của cậu ấy và động viên cố gắng vì tương lai do mình đã chọn”.

Lần này, Phan Xuân Diện đã quyết định “chơi lớn” khi mạnh dạn đầu tư hơn 4 tỷ đồng vào cây dược liệu quý. Đồng thời, để có nguồn nhân lực phục vụ dự án, anh đã thuyết phục được một số bạn trẻ tốt nghiệp đại học loại giỏi về đầu quân.

Quả ngọt sau quyết định “chơi lớn”

Ban đầu thực hiện dự án, Phan Xuân Diện và cộng sự gặp muôn vàn khó khăn. Nguồn vốn eo hẹp, nhân lực ít. Địa điểm triển khai trước đây là một khu rừng có tiếng “ma thiêng nước độc”, không có đường vào. Vì vậy, tất cả mọi người phải ngày đêm lăn lộn mở đường, tiếp đến là công việc vỡ đất, lên luống, làm giàn, bón phân… như những công nhân thực thụ.

Người vượt qua 9 lần khởi nghiệp thất bại

“Khi bắt đầu trồng cây cà gai leo, cây cỏ mọc um tùm, công nhân làm không xuể vì cỏ mọc quá nhanh. Sau gần 1 năm trồng, tôi đã phải phá bỏ 2 héc-ta mất gần 500 triệu đồng. Ngoài ra, tôi cũng phải phả bỏ hơn 1 héc-ta cây đinh lăng. Vô cùng kiệt sức, mệt mỏi, nhưng tôi không thể bỏ cuộc được, bởi như vậy tất cả sẽ sụp đổ. Vì vậy, tôi đã cùng với các cộng sự của mình tìm ra nguyên nhân và khắc phục làm lại từ đầu”, anh Diện kể.

Để đảm bảo cần phải áp dụng khoa học công nghệ thì mới thành công được. Lúc này, anh đã mạnh đầu tư áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Isarel và sử dụng màng nilon phủ cắt mặt luống để hạn chế cỏ dại, đồng thời thực hiện phơi khô nguyên liệu bằng năng lượng mặt trời để giữ nguyên được các hàm lượng quý trong thảo dược.

Bên cạnh đó, sản phẩm của dự án khoa học công nghệ được nghiên cứu và phát triển còn được thực hiện trên dây chuyền hiện đại bằng máy tự động, với quy trình khép kín từ nhân giống, thu hoạch, chế biến và đóng gói cung ứng ra thị trường. Sản phẩm có đầy đủ thông tin mã vạch truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng và được người tiêu dùng ưa chuộng.

 “Đối với vùng trồng dược liệu tại đây, chúng tôi không hề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, các công đoạn đều làm thủ công từ việc làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh. Việc phủ màng nilon giúp hạn chế được cỏ dại. Khi sử dụng màng phủ, giúp giảm 2/3 số lần làm cỏ và giảm đến 70% chi phí làm cỏ. Với hệ thống tưới nhỏ giọt, khoảng 2 ngày tưới một lần, vừa giúp tiết kiệm tưới, vừa giữ được độ ẩm tốt hơn cho cây”, anh Diện nói.

Sau hơn 3 năm, hiện nay anh đã có hơn 7ha đất trong vùng đệm vườn quốc gia Pù Mát trồng các loại cây dược liệu: Cà gai leo, giảo cổ lam, dây thìa canh, đinh lăng. Quá trình trồng và chăm sóc, được áp dụng quy trình theo tiêu chuẩn GACP (Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc). Các dòng sản phẩm trà dược liệu túi được bộ Y tế xác nhận “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe” an toàn thực phẩm và bộ Công Thương chứng nhận “Sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2018” theo Quyết định số 93/QĐ-CTĐP ngày 31/7/2018.

Trao đổi về việc này, ông Nguyễn Đình Hùng - Bí thư Huyện ủy Con Cuông - vui mừng cho biết: “Dự án trồng cây dược liệu được thực hiện cũng góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân huyện Con Cuông nói riêng và các huyện lân cận. Với đặc tính dễ trồng, ưa khí hậu, thổ nhưỡng “trời ban” của vùng miền Tây xứ Nghệ, việc trồng cây dược liệu có thể đem lại thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha/năm cho người dân”..

Theo http://khoinghiepsangtao.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây