Làm giàu từ nuôi con vật lạ, 30 ngày đã có thể xuất bán

Chủ nhật - 07/03/2021 22:09 492 0

Mô hình nuôi dế mốc rất phù hợp với chị em phụ nữ vì công việc chăm sóc rất nhẹ nhàng, không quá nặng nhọc như chăn nuôi các con vật khác.

 Làm giàu từ nuôi con vật lạ, 30 ngày đã có thể xuất bán

Mô hình nuôi dế của chị Đào Thị Xuân Hương.

Lãi chục triệu mỗi tháng

Chị Đào Thị Xuân Hương (ở thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) là người tiên phong nuôi loài dế mốc Thái ở địa phương. Nhờ mô hình nuôi dế thành công, chị Hương đã trở thành điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” và được Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Nghĩa Hành vinh danh “Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp năm 2019”.

Kể về cơ duyên đến với nghề nuôi dế, chị Hương cho biết, cách đây 2 năm, chị muốn tìm một hướng đầu tư phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình thì tình cờ biết đến bằng mô hình nuôi dế than tại nhà. Thấy phù hợp với điều kiện gia đình hiện có, chị Hương mạnh dạn đầu tư. Thế rồi, sự năng động và nhạy bén của chị Hương đã mang đến “trái ngọt”. Mô hình nuôi dế tại nhà của chị vừa ít tốn kém chi phí và công chăm sóc, vừa mang lại thu nhập cao bất ngờ. Sau 2 năm gắn bó với con dế than, hiện tại gia đình chị Hương sở hữu “cơ ngơi” hơn 30 chuồng dế, nuôi theo hình thức gối đầu, mỗi chuồng cho thu hoạch khoảng 15-16 kg. Dế than có giá bán khoảng 150.000 đồng/kg, giá thành sau khi trừ các chi phí, mỗi đợt thu hoạch chị Hương lãi hơn chục triệu đồng.

Không chỉ nuôi và bán dế thịt thương phẩm. Mô hình của chị Hương còn nuôi dế sinh sản, sự sản xuất con giống. “Thời gian đầu, tôi phải liên hệ đặt mua con giống của một trang trại ở tận Hà Nội, giá khá cao. Sau khi nuôi được một thời gian, hiểu được tập tính, chu kỳ sinh sản của chúng và tìm tòi thêm qua mạng Internet, hiện nay tôi đã biết cách lựa chọn những con dế to, khỏe tách riêng để cho chúng sinh sản. Nhờ chủ động hoàn toàn về con giống, chi phí đầu tư cũng giảm so với trước”, chị Hương kể với PV Dân Việt.

Để làm được điều này, chị Hương phải dày công học hỏi, áp dụng các biện pháp kỹ thuật và tạo môi trường phù hợp cho dế sinh sản. Chủ động nguồn con giống, chị Hương cũng chủ động được việc nhân rộng diện tích thả nuôi và nhân đàn. Sắp tới, gia đình chị Hương dự kiến sẽ mở rộng thêm quy mô, nuôi thêm dế làm thức ăn cho chim cút và gà. Không chỉ làm giàu cho gia đình, mô hình nuôi dế mốc Thái Lan của chị Hương còn giúp tạo thêm việc làm cho một số chị em phụ nữ trong vùng, với mức thu nhập bình quân là 150.000 đồng/người/ngày. Chị Hương cũng giúp đỡ cho những hộ dân có nhu cầu làm giàu từ nông nghiệp với mô hình nuôi dế.

Mô hình nuôi dế than gồm những gì?

Bằng việc chủ động tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thị trường, mạnh dạn đầu tư giống vật nuôi dân dã, chị Đào Thị Xuân Hương đã thành công với mô hình nuôi dế than đặc sản tại nhà bằng bể xi măng. Chị Hương xây dựng những chiếc bể dạng hình hộp chữ nhật có chiều dài 2 m, chiều rộng 1 m, cao 80 cm. Trong bể, chị Hương đặt 2-3 lớp xốp có hình dạng tổ ong để cho dế có nơi trú ngụ.

Nguồn thức ăn của dế than cũng rất dễ kiếm, chủ yếu là các loại thực vật có sẵn ở vùng nông thôn như lá mì, cỏ voi, rau muống và một ít cám tổng hợp. Cám tổng hợp thường chỉ được sử dụng khi dế còn nhỏ. Mỗi ngày cho dế ăn 3 lần. Chúng phát triển rất nhanh, nuôi đến 30 ngày là có thể xuất bán lấy thịt. Trước khi bán vài ngày, cho dế ăn bí đỏ cho dế sạch ruột sau đó có thể xuất bán ra thị trường. Giá dế đã sơ chế là 200.000 đồng/kg thành phẩm.

Đối với dế nuôi để đẻ trứng làm giống thì cần tới 45 ngày mới có thể xuất bán. Theo bà Hương, dế mốc dễ chăm sóc, chi phí lại thấp. Do được thả nuôi trong nhà kết hợp với nguồn thức ăn tự nhiên nên chất lượng dế đặc biệt thơm ngon, là loại thực phẩm sạch được khách hàng tin dùng. “Khách hàng mua dế chủ yếu là các quán ăn ở Quảng Ngãi và một số người dân ở địa phương, các xã lân cận. Hiện nay cũng có nhiều người ở ngoài tỉnh đặt mua”, chị Hương cho biết.

Cũng theo chị Hương, nuôi dế quan trọng nhất là giữ chuồng trại khô thoáng, sạch sẽ. Nếu để môi trường bị ẩm ướt, dế sẽ bệnh và chết. Ngược lại, để thiếu nước quá cũng không tốt, nhất là mùa nắng nóng.

Về kỹ thuật nuôi dế sinh sản, theo một người nuôi dế lâu năm, dế bắt đầu gáy là trưởng thành. Người nuôi chọn những con to khỏe để riêng cho cho chúng giao phối với nhau và chuẩn bị những khay nhỏ bán kính khoảng 10 cm, để vào đó tro ẩm hoặc đất xốp cho dế bò vào đẻ. Sau một ngày lấy khay ra, dùng băng keo băng kín miệng thùng xốp lại, đúng 7 ngày mới mở băng keo ra. Tới ngày thứ 8 trứng dế sẽ nở. Cứ một kg dế thì phải đặt một khay như thế. Lưu ý nên chọn khay bằng nhựa, bề ngoài sần sùi để giúp dế dễ bám vào thực hiện chức năng sinh sản.

Khoảng 2 tuần đầu sau khi nở, dế con ăn lá rau, ngoài ra trộn cám với thức ăn công nghiệp của gà, vịt xay nhuyễn cho dế ăn. Ngoài cho ăn thì việc cho chúng uống nước cũng là khâu quan trọng. Khi dế còn nhỏ, người nuôi phun nước lên cỏ để chúng hút hoặc lấy bông gòn thấm nước đặt vào trong. Nước cho dế cần phải đảm bảo sạch sẽ, lượng nước vừa đủ, nếu đổ nước nhiều dế dễ bị chết đuối. Giai đoạn dế lột xác cũng cần phải lưu ý vì dế con có thể bị dế trưởng thành ăn thịt. Tỷ lệ hao hụt lên tới 50%.

Dế mốc Thái Lan được ưa chuộng vì kích thước to đồng đều, thịt béo. Sơ chế dế cũng rất dễ, chỉ cần nhặt cánh, rút ruột rồi rửa bằng nước ấm là có thể chế biến thành nhiều món ngon như dế chiên bột, dế rang muối, dế xào cay, dế kho tiêu… Để món ăn ngon, giữ được độ béo ngọt của dế thì chỉ nên bảo quản chúng tối đa 1,5 tháng trong điều kiện giữ đông lạnh.

Theo https://khoinghiep.org.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây