Ông Võ Tín Dung - Phó Giám đốc Trung tâm phát biểu khai mạc Hội nghị.
Mục tiêu của đề tài là tạo ra tổ hợp gà lai thương phẩm có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao phù hợp với phương thức chăn nuôi gà thả vườn trong các nông hộ trên cơ sở khai thác hiệu quả nguồn gen giống gà H’re góp phần tạo sinh kế cho người dân, phát triển kinh tế địa phương và thực hiện công tác bảo tồn bền vững.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, đề tài đã thử nghiệm lai tạo giống gà H’re với gà kiến, gà nòi (tuyển chọn đàn gà giống bố mẹ; chăm sóc nuôi dưỡng đàn bố mẹ; ấp trứng và chọn gà con của các tổ hợp lai để nuôi thử nghiệm); nuôi thử nghiệm đánh giá ngoại hình, khả năng sinh trưởng và chất lượng thịt của các tổ hợp lai (thực hiện 3 lần, mỗi lần 50 con/công thức lai; thực hiện xây dựng chuồng trại, mua sắm, chuẩn bị vật tư cần thiết; tuyển chọn đàn gà thí nghiệm; chăm sóc nuôi dưỡng đàn gà thí nghiệm và đối chứng; đánh giá các chỉ tiêu ngoại hình, khả năng sinh trưởng, chất lượng thịt của các tổ hợp lai).
Ông Nguyễn Vĩnh Linh - Trại Trưởng - Trại Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ báo cáo kết quả thực hiện mô hình tại Hội nghị.
Kết quả cho thấy, đề tài đã tạo ra được 3 tổ hợp lai là: Tổ hợp lai F1 (trống H’re x mái Kiến); F1 (trống Kiến x mái H’re) và F1 (trống Nòi x mái H’re). Qua theo dõi đánh giá các chỉ tiêu về ngoại hình, tỉ lệ sống (khả năng kháng bệnh), tốc độ tăng trọng, tiêu hao thức ăn cho 1 kg tăng trọng… Nhóm nghiên cứu đã chọn tổ hợp lai F1 được tạo ra giữa gà trống nòi và gà mái H’re mang các ưu điểm của cả 2 giống gà và khắc phục các hạn chế của chúng. Tổ hợp lai F1 được tạo ra giữa gà trống nòi và gà mái H’re có những đặc điểm về ngoại hình như màu lông, màu chân (vàng, đen (chân chì)), trọng lượng cơ thể, mào gà. Khi trưởng thành, gà có những đặc điểm: chân cao, cổ cao; lông có màu xám, đen, sặc sỡ, chân màu chì, vàng nhạt. Nhìn chung, gà thương phẩm khắc phục được đặc điểm “xấu” của cả gà H’re và gà nòi như: Cơ thể nhỏ, tăng trọng kém của gà H’re; chậm mọc lông lúc nhỏ (tỷ lệ hao hụt của gà con cao), cơ thể thô, cổ trống (không mọc lông), chân to, da đỏ của gà nòi… nên phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Tỷ lệ sống đến 60 ngày tuổi đạt 96% cao hơn các tổ hợp còn lại: Tổ hợp lai F1 (trống Kiến x mái H’re) đạt 88%; tổ hợp (trống H’re x mái Kiến) đạt 90%. Tổ hợp lai F1 được tạo ra giữa gà trống nòi và gà mái H’re có thể nhận được đặc điểm sức khoẻ tốt của gà nòi và khắc phục được tình trạng chậm mọc lông lúc còn nhỏ nên có tỷ lệ sống cao hơn rõ so với các tổ hợp lai còn lại. Thức ăn chính là lúa, bắp, thức ăn chuyên dùng cho gà đẻ và các loại rau cỏ, chế độ cho ăn, cho uống, phù hợp với đặc điểm sinh học của giống; công tác vệ sinh, phòng bệnh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại được thực hiện theo quy trình của ngành chăn nuôi (Kỹ thuật nuôi dưỡng gà H’re sinh sản và Kỹ thuật phòng trị bệnh cho gà H’re).
Bà Võ Thị Thuý Nga - Phó trưởng phòng - Phòng quản lý khoa học - Sở KH&CN phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Đề tài đã chọn được tổ hợp lai giữa trống Nòi và mái H’re lấy tên là gà Re – Nòi. Giống gà này có đặc điểm tương đồng của giống gà nòi và gà H’re, có sức chống chịu cao, thích nghi với khí hậu địa phương (tỷ lệ sống cao) và điều kiện nuôi thả vườn. Tầm vóc vừa phải (nặng bình quân 1.36 kg/con khi 150 ngày tuổi), thức ăn cho gà là tất cả các loại thức ăn hiện có ở địa phương.
Đại biểu tham dự Hội nghị trao đổi, thảo luận.
Đại biểu tham quan mô hình “Nuôi gà thương phẩm Re Nòi”.
Tác giả: KHCN TTUD&DV, Nguyễn Bình
Nguồn tin: skh.quangngai.gov.vn
Ý kiến bạn đọc