Nông sản sạch: hướng đi bền vững cho nông nghiệp chất lượng cao.

Thứ ba - 06/03/2018 03:36 1.528 0

Trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao QNasafe.

Trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao QNasafe.
Trước thực tế ngày càng có nhiều sản phẩm nông nghiệp không an toàn, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người và môi trường, vì thế những năm gần đây, người tiêu dùng có xu hướng muốn tìm nguồn nông sản sạch, an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm cho gia đình. Nắm bắt được nhu cầu đó, thời gian qua, ở tỉnh ta nhiều doanh nghiệp đã đầu tư các mô hình sản xuất nông sản sạch nhằm cung cấp những sản phẩm nông sản đạt chất lượng, an toàn về sức khoẻ, bước đầu tạo uy tín cho người tiêu dùng trong tỉnh, mở ra hướng phát triển bền vững cho nông nghiệp chất lượng cao của tỉnh.
Tiên phong trong phát triển các sản phẩm rau sạch cung cấp cho thị trường tiêu dùng trong tỉnh là Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao QNasafe. Các sản phẩm rau của Công ty được sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), được trồng trong nhà lưới do Công ty đầu tư và phối hợp với các hộ dân trồng ngoài trời; gồm các loại rau ăn lá, ăn quả như rau muống, xà lách, mồng tơi, khổ qua,.... Công ty đã áp dụng mô hình sản xuất, phân phối và kiểm soát chất lượng rau an toàn theo mô hình khép kín từ sản xuất, sơ chế cho đến khi xuất bán ra thị trường đảm bảo sản phẩm rau an toàn cho người tiêu dùng. Công ty đầu tư nhà sơ chế đúng nguyên tắc một chiều, có phòng bảo hộ lao động ở khu sạch và xây dựng một phòng kiểm nghiệm đủ năng lực để phân tích mẫu rau. Khu vực sản xuất và sơ chế của Công ty đã được kiểm tra công nhận và cấp giấy chứng nhận VietGAP. Thời gian qua, sản phẩm rau của Công ty đã được bán ra thị trường trong bao bì in logo VietGAP và cung ứng cho các đơn vị  như các trường mầm non trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất…; đồng thời, Công ty đã mở cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm rau an toàn tại thành phố Quảng Ngãi, đáp ứng nhu cầu sử dụng rau sạch của người tiêu dùng trong tỉnh, mở ra triển vọng cho nghề trồng rau chất lượng cao ở địa phương. Ông Trần Ngọc Âu, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty QNasafe cho hay: Sau 4 năm thực hiện mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Công ty đã có được lòng tin của khách hàng và Công ty đang nỗ lực để đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu cho bữa ăn hàng ngày của khách hàng, đặc biệt là khách hàng tại thành phố Quảng Ngãi.
Với chức năng nghiên cứu ứng dụng, thực nghiệm và chuyển giao tiến bộ KH&CN trong lĩnh vực sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học - công nghệ Quảng Ngãi đã thực hiện thành công nhiệm vụ “Thực nghiệm chăn nuôi heo trên nền chuồng bằng đệm lót vi sinh” và tiến hành chuyển giao kỹ thuật này cho các hộ chăn nuôi trong tỉnh. Ứng dụng phương pháp chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh học đem lại nhiều lợi ích cho các hộ chăn nuôi ở địa phương như xử lý hoàn toàn chất thải trong chăn nuôi heo không gây mùi hôi thối khó chịu, tạo môi trường trong lành ở khu vực nuôi cũng như xung quanh, không gây ô nhiễm môi trường và mở ra hướng phát triển chăn nuôi heo an toàn sinh học và bền vững.
trang 15
Dây chuyền sản xuất bịch phôi nấm ăn và nấm dược liệu.
Và dự án “Ứng dụng đồng bộ các thiết bị cơ khí trong sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu” do Trung tâm triển khai tại Trại Nghiên cứu thực nghiệm ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp tại xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành đã ứng dụng đồng bộ thiết bị cơ khí, gồm: Dây chuyền xử lý nguyên liệu, đóng bịch phôi nấm; thiết bị hấp nguyên liệu; máy đánh tơi bịch nấm sau thu hoạch; máy đóng túi chân không... để sản xuất bịch phôi nấm với công suất 5.000 bịch phôi nấm/ngày. Đồng thời, áp dụng các qui trình kỹ thuật: Quy trình nhân giống nấm gốc; quy trình công nghệ xử lý nguyên liệu, sản xuất bịch phôi nấm tập trung; công nghệ nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ nấm trong sản xuất các sản phẩm nấm sò và nấm linh chi và chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng nấm sò, nấm linh chi cho các hộ nuôi trồng nấm ở các địa phương trong tỉnh. Dự án đã cung cấp cho thị trường trong tỉnh các sản phẩm nấm sò và nấm linh chi đạt chất lượng, an toàn sức khoẻ cho người sử dụng và góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho nông hộ trồng nấm, bảo vệ môi trường và môi sinh.
Hay Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông tín đã ứng dụng thành công mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ chất lượng cao tại Quảng Ngãi. Qua dự án khoa học công nghệ “Hỗ trợ ứng dụng kỹ thuật sản xuất lúa, gạo hữu cơ chất lượng cao tại Quảng Ngãi”, Công ty đã đầu tư xây dựng mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ, sử dụng giống lúa LDD1 (lúa đen) và giống lúa MB125 (lúa trắng); mô hình thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm gạo hữu cơ chất lượng cao và chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất lúa gạo hữu cơ cho nông dân địa phương như: Kỹ thuật canh tác, bón phân hợp lý theo phương pháp hữu cơ; kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp (IPM) không sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ dịch hại và tăng giá trị sản xuất trong sản xuất lúa hữu cơ. Ông Phan Sơn, chủ nhiệm dự án đánh giá: Kết quả bước đầu của mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ chất lượng cao tại Quảng Ngãi trong vụ Đông Xuân 2016-2017 đã cho thấy hiệu quả về môi trường, tập quán canh tác và hiệu quả rõ rệt về kinh tế. Trong vụ sản xuất này, năng suất thực thu của lúa gạo hữu cơ so với lúa gạo thông thường chỉ chênh từ 1-2 tạ/ha. Theo tính toán ban đầu, với năng suất của lúa trắng hữu cơ đạt 60 tạ/ha, lúa đen đạt 40 tạ/ha thì hiệu quả kinh tế đem lại của lúa gạo hữu cơ cao hơn lúa gạo thông thường từ 15-20%.          
Lúa hữu cơ
Mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ chất lượng cao được Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín ứng dụng thành công tại Quảng Ngãi.
Dự án cho sản phẩm lúa, gạo hữu cơ chất lượng cao với nhãn hiệu được đăng ký là “gạo hữu cơ chất lượng cao Nông Tín” để cung cấp cho thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, đáp ứng nhu cầu sử dụng gạo sạch, chất lượng, an toàn của người dân trong tỉnh. PGS-TS Lê Vĩnh Thảo, Hội giống cây trồng Việt Nam nhận xét: Thời gian sinh trưởng của giống lúa dài hơn giống đại trà từ 1-2 ngày nên đảm bảo về độ thuần của chất lượng hạt giống được tốt hơn. Giống lúa này có nhiều omega 3, omega 6, omega 9 do đó có khả năng sử dụng để phòng chống và điều trị các bệnh. Hơn nữa, việc áp dụng thực hiện quy trình sản xuất hữu cơ cho giống lúa này sẽ tạo ra sản phẩm lúa gạo hoàn toàn sạch, đảm bảo sức khoẻ. Vì thế, đây là mô hình rất hữu ích cho người nông dân áp dụng hiệu quả tại địa phương.
Có thể thấy rằng, các mô hình sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu cơ ở tỉnh ta thời gian qua đã đáp ứng phần nào nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch của người dân, bước đầu tạo uy tín cho người tiêu dùng trong tỉnh và góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu cho sản phẩm nông sản sạch của tỉnh. Sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu cơ là định hướng được tỉnh Quảng Ngãi chú trọng đẩy mạnh để tạo sự đột phá, chuyển biến trong lĩnh vực nông nghiệp và mở ra hướng phát triển bền vững cho nông nghiệp chất lượng cao của tỉnh trong thời gian đến.
Ông Phạm Bá, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Để đẩy mạnh sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu cơ, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện các chính sách như thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng để tích tụ ruộng đất, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây trồng có hiệu quả hơn. Tỉnh đã xây dựng một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao, an toàn, hữu cơ như mô hình sản xuất rau có tổng diện tích 12 ha, quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn với tổng diện tích 293 ha; mô hình sản xuất lúa hữu cơ 30 ha; phòng nuôi cấy mô; mô hình nuôi heo theo hướng sinh học... Trong thời gian đến, ngành nông nghiệp sẽ tham mưu cho tỉnh ban hành cơ chế, chính sách ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh; tập trung tuyên truyền cho người nông dân nắm được các quy trình ứng dụng tiến bộ công nghệ cao, hữu cơ; thu hút các nhà đầu tư vào kinh tế trang trại hay là mô hình sản xuất công nghệ cao, hữu cơ trên địa bàn tỉnh... Như thế, trong những năm đến, trên địa bàn tỉnh sẽ ứng dụng rộng rãi sản xuất công nghệ cao, hữu cơ trên một số loại cây trồng và tiến đến xây dựng chuỗi sản xuất công nghệ cao, hữu cơ để tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng trong tỉnh

Tác giả: Trinh Nữ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây