Thi đua lập nghiệp sáng tạo khởi nghiệp

Thứ hai - 26/04/2021 05:05 296 0

Trao đổi với DOANH NHÂN, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre PHAN VĂN MÃI  khẳng định: Sau 5 năm triển khai Chương trình Đồng Khởi Khởi nghiệp, quê hương Đồng Khởi đã xây dựng được Hệ sinh thái khởi nghiệp khá hoàn chỉnh, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, hỗ trợ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp hiệu quả.

Thi đua lập nghiệp sáng tạo khởi nghiệp

Ông Mãi cũng cho biết, Bến Tre - được biết đến là một trong những địa phương của cả nước đi tiên phong trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy và hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp thông qua Chương trình số 10-CTr/TU ngày 28/4/2016 của Tỉnh ủy về Đồng Khởi Khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp tỉnh Bến Tre. 

- Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện đang là quyết tâm chung của toàn xã hội, nhất là trong thế hệ trẻ. Với Bến Tre, điều này được triển khai ra sao, thưa ông?

Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp đã thực sự trở thành điểm tựa vững chắc cho cộng đồng khởi nghiệp tại Bến Tre. Đặc biệt, Bến Tre luôn nỗ lực kiến tạo môi trường khởi nghiệp gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, các chỉ số PCI, PAPI luôn tăng hạng, nằm trong TOP đầu cả nước. Với nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi nhất khuyến khích khởi nghiệp, lập nghiệp, thu hút đầu tư kinh doanh, qua 05 năm, Chương trình có 2.817 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc được thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 20.659,23 tỷ đồng (bình quân 8,26 tỷ đồng/doanh nghiệp), tăng 87,4% về số doanh nghiệp và 4,09 lần về vốn đăng ký so với giai đoạn 2011-2015, đạt 112,6% mục tiêu Chương trình đề ra.

Công tác hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được Bến Tre đặc biệt chú trọng để tạo nền tảng, bước chuyển cho giai đoạn 2020-2025. Bước đầu, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp/dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: Công ty TNHH Tự động hóa Tùng Phát (Yes-coco), Công ty TNHH SXTM thủy sản Đại Thành, Công ty TNHH Dừa Cười (Coco Smile), Công ty Cổ phần Sa Sâm Việt, Công ty TNHH Funny Fruit, Công ty Cổ Phần Vinaherb...

Thi đua lập nghiệp sáng tạo khởi nghiệp - Ảnh minh hoạ 2

Dự án khởi nghiệp “Dừa Phú Quý - Bến Tre” của anh Huỳnh Thanh Tâm được Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi tại Ngày hội Bến Tre - Đồng Khởi Khởi nghiệp năm 2017.

Thực tế những doanh nghiệp khởi nghiệp thành công thường là những doanh nghiệp từng làm việc tại một không gian khởi nghiệp trước khi có trụ sở làm việc riêng. Chính vì vậy, năm 2019, tỉnh cũng đã xây dựng “Không gian Đổi mới sáng tạo Mekong (Mekong Innovation Hub)”. Từ khi ra mắt, Mekong Innovation Hub đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo, hàng loạt sự kiện được cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp quan tâm, đánh giá cao.

Tỉnh Bến Tre đã phối hợp với Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thành công Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo ĐBSCL 2020 (Techfest Mekong 2020) với trên 120 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo, dự án khởi nghiệp tiêu biểu của các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bến Tre và các tỉnh ĐBSCL. Sự kiện thu hút hơn 60 doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng, gần 30 nhà đầu tư trong nước và quốc tế, doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ đầu tư trong và ngoài nước.

Đồng thời, tỉnh cũng đã xây dựng và triển khai chương trình “Xây dựng và vận hành không gian Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bến Tre” nhằm liên kết chặt chẽ với cộng đồng khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh nhất là hệ thống các trường đại học, tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp khoa học công nghệ để phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh trong thời gian tới...

- Ông có thể nói rõ hơn về câu chuyện phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với tài nguyên bản địa?

Bến Tre là tỉnh nằm ở cuối hạ nguồn sông Mekong, tiếp giáp biển Đông, được phù sa của bốn trong chín nhánh sông Cửu Long bồi đắp và hình thành ba vùng sinh thái tự nhiên: ngọt, lợ, mặn khá phong phú; hình thành hệ sinh thái vườn chuyên canh, thâm canh đa dạng với những vườn dừa rợp bóng, vườn trái cây trĩu quả, vườn hoa kiểng và cây giống phong phú chủng loại... “Thủ phủ dừa” Việt Nam hiện có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước, đạt khoảng 72.770 ha, năng suất 9.570 trái/ha/năm; Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm dừa thực hiện năm 2020 đạt trên 346,9 triệu USD; chiếm gần 26,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Thi đua lập nghiệp sáng tạo khởi nghiệp - Ảnh minh hoạ 3

Các đại biểu cắt băng ra mắt Không gian Đổi mới sáng tạo Mekong (Mekong Innovation Hub).

Cây dừa không chỉ là đề tài bất tận trong thơ văn mà còn gắn liền cuộc sống đời thường người dân Bến Tre trong đấu tranh chống giặc“Phong trào Đồng Khởi 1960” trong thi đua “Đồng Khởi mới” phát triển bền vững làm cho Bến Tre Xanh - Sạch - Thân thiện - Đáng sống.

Với bờ biển dài trên 65 km, Bến Tre có một hệ sinh thái mặn đa dạng về chủng loài thuỷ, hải sản, là điều kiện rất thuận lợi trong phát triển kinh tế biển theo hướng toàn diện từ nuôi trồng, đánh bắt đến hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá… kết hợp với phát triển du lịch biển. Từ đó, đã đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Với những đặc trưng nổi trội, tất cả các nguyên liệu từ tài nguyên bản địa sẽ tạo thành một chuỗi có hệ thống bổ sung cho nhau, tạo nên hệ sinh thái hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp phát triển và thành công.

Bến Tre đang tập trung phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo động lực thúc đẩy phát triển hiệu quả chương trình Đồng Khởi Khởi nghiệp và Phát triển Doanh nghiệp giai đoạn mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Khai thác tài nguyên bản địa với lợi thế sông nước, cây trái miệt vườn, gắn với truyền thống lịch sử văn hóa hào hùng với nhiều di tích cách mạng, di tích văn văn hóa; ngành du lịch có nhiều thế mạnh, tỉnh khuyến khích phát triển, đang được các bạn trẻ khai thác tốt. Bến Tre hiện có bảy điểm du lịch nông thôn và hơn 40 homestay, với sức chứa hơn 1.000 khách, mô hình homestay đã góp phần thu hút ngày càng đông lượng khách du lịch đến trải nghiệm các sinh hoạt ngày thường của người dân, khám phá cuộc sống làng quê sông nước, trải nghiệm văn hóa bản địa. Tỉnh đang chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa địa phương.

- Ông có thể chia sẻ khái quát về định hướng của Bến Tre về khởi nghiệp trong giai đoạn tới?

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI, đặt mục tiêu thành lập mới ít nhất 5.000 doanh nghiệp. Trong đó, 100 doanh nghiệp dẫn đầu; 600 doanh nghiệp khởi nghiệp, 10 doanh nghiệp KHCN, 500 hộ kinh doanh lên doanh nghiệp. Để thực hiện đạt mục tiêu và hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp trên địa bàn, chúng tôi tiếp tục nỗ lực xây dựng Bến Tre thành “Địa phương khởi nghiệp”, đẩy mạnh phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển đổi số, khoa học công nghệ gắn với phát huy tài nguyên bản địa, thích ứng biến đổi khí hậu; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Chuyển trọng tâm từ khởi nghiệp thoát nghèo, khởi nghiệp làm giàu sang khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng Bến Tre trở thành trung tâm thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của khu vực ĐBSCL.

Thi đua lập nghiệp sáng tạo khởi nghiệp - Ảnh minh hoạ 4

Bí thư tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi và các đại biểu tại Lễ ra mắt Mekong Innovation Hub.

- Để khởi nghiệp thành công, theo ông điều gì là quan trọng nhất?

Tôi cho rằng, muốn khởi nghiệp thành công thì phải có khát vọng. Khát vọng lập nghiệp, khát vọng trở thành doanh nhân, vươn ra biển lớn, làm giàu cho quê hương đất nước.

Để các ý tưởng, dự án khởi nghiệp được đưa vào thực tiễn, cùng với việc kiến tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, công tác tư vấn, hỗ trợ, vai trò “bà đỡ” của những doanh nhân thành đạt đối với các dự án khởi nghiệp là điều vô cùng cần thiết. Với Bến Tre, công tác tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp được triển khai sâu rộng đến cơ sở, mang lại hiệu quả tích cực. Thời gian qua, Chương trình đã tư vấn, hỗ trợ cho hơn 2.544 lượt doanh nghiệp - dự án khởi nghiệp; tiếp nhận và hỗ trợ 1.563 ý tưởng, dự án khởi nghiệp; chọn lọc hỗ trợ trực tiếp 728 ý tưởng, dự án. Hàng trăm ý tưởng, dự án đã phát triển thành hợp tác xã hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đặc biệt, Mạng lưới Cố vấn Khởi nghiệp tỉnh Bến Tre được hình thành và hoạt động tích cực, nhất là vai trò hướng dẫn, động viên, chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp dẫn đầu tỉnh, đội ngũ chuyên gia, các tổ chức tư vấn thuộc các cơ quan hành chính đã tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ thủ tục hành chính nhanh chóng cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp.

- Trân trọng cảm ơn ông! 

Giai đoạn 2021-2025, Bến Tre đặt mục tiêu thành lập mới ít nhất 5.000 doanh nghiệp. Trong đó, 100 doanh nghiệp dẫn đầu; 600 doanh nghiệp khởi nghiệp, 10 doanh nghiệp KHCN, 500 hộ kinh doanh lên doanh nghiệp. Xây dựng Mekong Innovation Hub trở thành Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bạn đang đọc bài viết Thi đua lập nghiệp sáng tạo khởi nghiệp tại chuyên mục Quốc gia khởi nghiệp của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư khoinghiep@dddn.com.vn, SĐT: (+844) 3.5772400

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây