Lâu nay nhìn về tiềm năng và triển vọng của cây dược liệu nhiều người vẫn quan niệm rằng, cây dược liệu chỉ thích hợp phát triển ở những khu vực đồi núi và đất đồng bằng thì có vẻ không phù hợp để phát triển loại cây trồng này. Song, với góc nhìn mới mẻ và cách tiếp cận thị trường khác lạ, anh Vũ Công Định (sinh năm 1983) ở vùng cù lao của huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã thành công với loại cây trồng này...
Những năm gần đây, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trên những diện tích lúa kém hiệu quả là định hướng của ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp. Song chuyển đổi cây trồng gì và thị trường tiêu thụ của loại cây trồng mới như thế nào luôn là bài toán trăn trở của nhiều nông dân.
Khoảng những năm 2008, gia đình anh Vũ Công Định, xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự cũng đối mặt với nhiều khó khăn khi lựa chọn loại cây trồng phù hợp để chuyển đổi trên nền đất lúa kém hiệu quả.
Một lần tình cờ biết đến công dụng tuyệt vời của cây sâm bố chính, một loại dược liệu quý thường mọc ở vùng núi của tỉnh Phú Yên, anh Vũ Công Định đã có một quyết định táo bạo là đem cây sâm bố chính này về Đồng Tháp để trồng thử nghiệm.
Anh Vũ Công Định nhớ lại: "Trong một lần lâm bệnh nặng tôi được một người bạn quê ở tỉnh Phú Yên nấu cho một loại cây thuốc có tên là sâm bố chính để uống. Ban đầu tôi cũng không suy nghĩ nhiều, chỉ uống cho bạn vui không ngờ sau vài lần uống sâm, bệnh không những nhanh hết mà sức khỏe phục hồi lại cũng rất mau.
Sau khi tìm hiểu thì tôi mới biết sâm bố chính là một loại dược liệu quý hiện trong tự nhiên gần như đã bị khai thác cạn kiệt. Trong khi nhu cầu sử dụng loại dược liệu này ngày một nhiều. Do đó, tôi mới mạnh dạn ra đến tỉnh Phú Yên để tìm hiểu và mang sâm bố chính về Đồng Tháp để trồng thử nghiệm".
Anh Vũ Công Định bên vườn sâm bố chính.
Thời gian đầu, để đưa một loại dược liệu có nguồn gốc từ trên núi về trồng vùng đồng bằng rất khó khăn. Do cây có đặc điểm sống ở khí hậu mát mẻ dưới tán rừng nên khi đem về vùng đồng bằng khí hậu nóng, tỷ lệ sống khoảng 20%.
Không chịu bỏ cuộc, anh Định tiếp tục tìm hiểu và lên tận trên rừng lấy hạt về ươm trồng thử, lúc đầu là 100 chậu trước nhà sau thấy cây phát triển tốt anh thuê thêm đất trồng luôn loại cây này. Mặc dù có kinh nghiệm trồng sâm bố chính trên chậu song khi đưa xuống đất ruộng thật sự là điều không dễ dàng.
Khi đưa sâm bố chính xuống đất ruộng cây tiếp tục chết nhiều, sau nhiều lần rút tỉa kinh nghiệm từ những thất bại năm 2008 anh Định chính thức thu hoạch vụ sâm bố chính đầu tiên. Thời điểm đó với diện tích 3,5 công đất anh Định thu hoạch được trên 4,5 tấn sâm bố chính, với giá bán khoảng 300.000 đồng/kg, tổng doanh thu từ vụ sâm đầu tiên được 1,2 tỉ đồng.
Thừa thắng xông lên, anh Định dùng số tiền tích góp được từ vụ sâm đầu tiên tiếp tục mua thêm 1,5ha đất để mở rộng vườn dược liệu. Nhận thấy ngoài sâm bố chính thì nhu cầu của các nhà thuốc trên cả nước cũng rất cần đến những loại dược liệu khác như: đinh lăng, sâm đại hành, sâm cóc… vì vậy anh Định đã không ngừng mở rộng diện tích trồng dược liệu của mình.
Hiện tại, anh Định còn mở rộng quy mô trồng dược liệu của mình ở nhiều tỉnh thành khác như: Cần Thơ, Kiên Giang, Bình Phước. Bên cạnh đó, anh Định còn liên kết với khoảng 40 hộ dân trong tỉnh Đồng Tháp tận dụng diện tích vườn tạp trồng sâm bố chính và bao tiêu thu lại sản phẩm.
Với người dân ở Đồng Tháp, việc phát triển kinh tế với mô hình trồng cây dược liệu thật sự là mô hình còn nhiều mới mẻ với nông dân. Khác với cây lúa hay cây ăn trái, thị trường tiêu thụ của cây dược liệu khá đặc thù. Vì vậy, để có thể bán được sản phẩm và làm giàu với loại cây trồng mới này thì không phải bất kỳ nông dân nào cũng dám mạnh dạn chuyển đổi như anh Định.
Chia sẻ về cách tiếp cận thị trường của mình, anh Định cho biết: "Mặc dù vườn dược liệu của tôi được trồng ở Đồng Tháp nhưng hầu như sản phẩm rất ít được tiêu thụ ở địa phương mà chủ yếu bán ở các nhà thuốc, các công ty dược liệu ở miền ngoài. Nhờ trước đây có học chuyên ngành là công nghệ thông tin nên từ rất sớm tôi đã chào bán sản phẩm của mình trên nhiều trang website cũng như mạng xã hội. Đây cũng chính là lý do khiến cho sản phẩm của tôi được nhiều nhà thuốc và công ty dược ở nhiều tỉnh ngoài Bắc tìm đến thời gian qua".
Các sản phẩm dược liệu của anh Định đang được bán thô tại các nhà thuốc và công ty dược liệu dùng để bào chế thuốc, ngâm rượu hoặc sản xuất kẹo sâm... Hiện anh Định cũng đang ấp ủ khi có điều kiện, sẽ đầu tư công nghệ chế biến sâu các loại dược liệu để sản xuất ra thành phẩm phục vụ thị trường.
Hiện nay, anh Vũ Công Định còn đầu tư một vườn dược liệu kết hợp du lịch tại ấp Phú Hòa, xã Phú Thuận A quê hương anh. Khu du lịch có diện tích 12ha gồm tổ hợp các hạng mục như: vườn dược liệu, cây ăn trái, hồ bơi, khu ăn uống, quán cà phê... dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào cuối năm nay. Theo anh Định, mục đích của anh là để cho sinh viên đông y có chỗ khảo nghiệm thực tế và là nơi để khách tham quan biết đến vùng đất Phú Thuận..
Theo http://khoinghiepsangtao.vn/
Ý kiến bạn đọc