Những thanh niên mê làm nông nghiệp công nghệ

Thứ sáu - 08/01/2021 21:58 320 0

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Lê Thị Vân (áo trắng) đã thành công trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Lê Thị Vân (áo trắng) đã thành công trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nông nghiệp, Lê Thị Vân, ở thị trấn Sao Vàng, Thọ Xuân, Thanh Hóa thực hiện ước mơ thay đổi nền sản xuất nông nghiệp thủ công bắt đầu từ việc lựa chọn ngành kỹ sư nông học tại Đại học Hồng Đức.

Ra trường, Vân có 10 năm cống hiến tại Tập đoàn Netafim của Israel về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Trong quá trình làm việc Vân nhận thấy những sản phẩm của Netafim tốt nhưng chi phí rất cao, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX và nông dân khó có thể áp dụng. Những trăn trở “Phải làm gì để phát triển nông nghiệp sạch? Phải làm sao cho người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm sạch? Phải như thế nào cho người nông dân canh tác bền vững hơn và nâng cao thu nhập? làm sao để đai đa số nông dân đều có thể ứng dụng công nghệ vào sản xuất với mức chi phí hợp lý?... cứ đau đáu với cô kỹ sư sinh năm 1996.

Năm 2019, với những kinh nghiệm tích lũy, cùng sự ủng hộ của gia đình, Vân mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Nông nghiệp công nghệ cao Rich Farm, chuyên thi công, lắp đặt nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới và cung ứng vật tư, thiết bị phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ và sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

Thương hiệu Rich Farm tuy mới phát triển hơn 1 năm nhưng đã ngày càng phát triển mạnh mẽ, khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Nông nghiệp công nghệ cao Rich Farm đã thi công nhiều công trình tại các tỉnh trong cả nước như Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hòa Bình, TP Hà Nội, cho tới Vĩnh Long. Trong đó có những công trình lớn như: thi công 1 ha nhà màng tại Trang trại Giáo dục hữu cơ Tfarm – Thanh Hóa; 3 ha tưới cảnh quan Công viên truyền hình Vĩnh Long...

Ngày đầu thành lập, Công ty giải quyết được công ăn việc làm cho 15 lao động, lương từ 6,5 – 8 triệu đồng/tháng. Đến nay, tăng lên 35 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 6,5 – 10 triệu đồng/tháng và 30 lao động thời vụ với thu nhập 200.000 -300.000 đồng/ngày; doanh số lên tới vài chục tỷ đồng/năm. Đặc biệt, Công ty đã tạo ra được sản phẩm an toàn, sạch cho người tiêu dùng mang thương hiệu Rich Farm như: như dưa lưới, dưa vàng , dưa lê Bạch ngọc…

Sự phát triển lớn mạnh nhất, là món quà vô giá mà tôi và công ty nhận được đó là niềm tin của khách hàng trên mọi miền tổ quốc. Việc thành lập công ty không những giúp tôi thực hiện được ước mơ của mình mà còn góp phần giải quyết bài toán về lao động, công tác bảo vệ môi trường, thúc đẩy kinh tế của địa phương nói riêng và cả nước nói chung; qua đó, tạo động lực để người nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, góp phần đưa nông nghiệp Việt Nam lên tầm cao mới; truyền lửa cho những bạn trẻ có ước mơ khởi nghiệp, tạo cho các bạn có niềm tin vững bước hơn”. Vân chia sẻ.

Ngoài việc phát triển tại các tỉnh, thành trong cả nước, Vân mong muốn sẽ xây dựng nhiều hơn các Farm sản xuất chuyên canh các cây trồng có giá trị kinh tế cao

Ngoài việc phát triển tại các tỉnh, thành trong cả nước, Vân mong muốn sẽ xây dựng nhiều hơn các Farm sản xuất chuyên canh các cây trồng có giá trị kinh tế cao

Nói về những dự định trong tương lai, Vân cho biết: Công ty sẽ vươn khắp các tỉnh, thành và các nước trong khu vực; xây dựng nhiều hơn các Farm sản xuất chuyên canh các cây trồng có giá trị kinh tế cao, đặc biệt tạo ra các sản phẩm chế biến để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Sự năng nổ, nhiệt tình của cô gái trẻ Lê Thị Vân đã góp phần quan trọng làm thay đổi tư duy, nếp sống. Người nông dân đã biết tích tụ ruộng đất, áp dụng các phương pháp sản xuất nông nghiệp tiên tiến để phát triển kinh tế gia đình, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu trên chính mảnh vườn của mình.

Làm giàu từ nông nghiệp thay vì học đại học

Xuất thân trong một gia đình thuần nông, không giống như bạn bè cùng trang lứa sau khi học xong THPT, chàng trai trẻ sinh năm 1998 Đặng Đình Hợp, ở Thanh Sơn, Phú Thọ đã quyết định ở lại quê hương khởi nghiệp từ nông nghiệp thay vì học đại học.

Với 53 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cùng với những kiến thức học hỏi được trong một thời gian tìm hiểu, tham quan, Đặng Đình Hợp quyết định lựa chọn mô hình vườn- ao- chuồng (VAC) làm hướng để khởi nghiệp.

"Thay vì ngồi trên giảng đường, tôi lựa chọn tham quan, học hỏi từ những người đi trước và nhiều phương tiện khác để làm giàu - Đặng Đình Hợp chia sẻ.

Khi hỏi lý do vì sao không lựa chọn con đường học đại học, Hợp cho rằng: “Học đại học không hẳn là con đường duy nhất để đưa bạn đến cái đích mà bạn muốn, tôi cảm thấy vừa học, vừa làm sẽ phù hợp với mình hơn. Thay vì ngồi trên giảng đường, tôi lựa chọn tham quan, học hỏi từ những người đi trước và nhiều phương tiện khác”.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình làm giàu, Hợp cho biết: Ban đầu có lẽ ai cũng sẽ gặp phải những vấn đề khác nhau, với mô hình vườn- ao- chuồng, Hợp khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh và kỹ thuật chăn nuôi. Có những ngày ở đồng liên tục trong quá trình trồng cỏ, cộng với thời tiết khắc nghiệt, Hợp từng có suy nghĩ bỏ cuộc. Thế nhưng nhìn lại chặng đường đã đi, Hợp tự lấy lại tinh thần, lên "dây cót" cho bản thân để tiếp tục thực hiện ước mơ, hoài bão. Hiện với 20 con bò; ao cá, vườn bưởi đã cho thu hoạch…, mỗi năm Hợp thu nhập trên 700 triệu đồng.

Hợp cho biết: Trong tương lai, sẽ đi học thêm kiến thức về thú y, những kỹ năng chăn nuôi chuyên sâu về bò thịt cho năng suất cao, cách xoay vòng vốn để mở rộng quy mô nông nghiệp của mình và gia đình.

Các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp đều mang lại giá trị kinh tế cao, doanh thu và lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm; tạo việc làm cho nhiều lao động là thanh niên, đặc biệt là thanh niên yếu thế, người dân tộc thiểu số... Bên cạnh đó, các mô hình, sản phẩm còn có tính sáng tạo, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", được thị trường trong nước và quốc tế đón nhận.

Trên chặng đường lập thân, lập nghiệp những thanh niên nông thôn đã và đang khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của mình, điều đó thể hiện qua những mô hình làm giàu của thanh niên nông thôn nhờ công nghệ.

Những Nhà nông trẻ xuất sắc vinh dự nhận Giải thưởng Lương Định Của

Những Nhà nông trẻ xuất sắc vinh dự nhận Giải thưởng Lương Định Của

Đây là 2 trong số 56 Nhà nông trẻ xuất sắc được nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XV năm 2020 do Trung ương Đoàn trao tặng.

Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương nhấn mạnh: Những tấm gương được trao Giải thưởng Lương Định Của chính là những bông hoa ngát thơm hương sắc trong phong trào tuổi trẻ thi đua xây dựng nông thôn mới. Họ cũng là những người góp phần tạo nên phong trào thi đua mạnh mẽ tham gia phát triển kinh tế nông nghiệp trong thanh niên nông thôn, là cầu nối kết nối nông nghiệp số, xây dựng một nền nông nghiệp phát triển đầy bản sắc và bền vững; là động lực mới khơi dậy tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ trong thanh niên, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Bạn đang đọc bài viết Những thanh niên mê làm nông nghiệp công nghệ tại chuyên mục Quốc gia khởi nghiệp của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư khoinghiep@dddn.com.vn, SĐT: (+844) 3.5772400

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây