[Xu hướng] Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia hướng đến những mô hình bền vững

Thứ ba - 19/01/2021 07:29 315 0

Giải quyết những “nỗi đau” của xã hộiRa đời từ năm 2003, Chương trình đã tập hợp được hàng nghìn dự án khởi nghiệp của học sinh – sinh viên, trong đó có nhiều dự án đã đi vào thực tiễn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế và cộng đồng DN, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân sáng tạo trong tương lai.

 Những năm gần đây, các dự án đạt giải tại Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia hầu hết là những dự án có ý tưởng sáng tạo, đưa công nghệ vào giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống. Năm 2020, các dự án xuất sắc, đạt giải cao của Cuộc thi cũng hầu hết là những dự án chia sẻ gánh nặng với người dân ở nhiều lĩnh vực.

Dự án “Ứng dụng Tảo Spirulina vào thức ăn cho tôm và cải tạo môi trường” của nhóm sinh viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành là dự án được đánh giá cao, đạt giải Nhất Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2020. Nói về dự án này, nhóm sinh viên thực hiện cho biết, do có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về tảo Siprulina nhiều năm và thấy được nỗi khổ của người nông dân nuôi tôm, cả nhóm đã khảo sát 5 hộ nuôi tôm ở xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre để thực hiện dự án. Khó khăn của bà con nuôi tôm ở đây là thường xuyên bị hao hụt con giống ở giai đoạn thả giống; tốc độ phát triển chậm ở giai đoạn đầu ảnh hưởng đến sự phát triển về sau của tôm nuôi; màu sắc tôm không đạt yêu cầu làm cho giá thành giảm...

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hộip/Đoàn Thị Thanh Mai trao giải Nhất cho nhóm sinh viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Nguyễn Hoan

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai trao giải Nhất cho nhóm sinh viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Nguyễn Hoan

Dự án “Ứng dụng tảo Sprirulina gia tăng hiệu quả cho tôm và cải tạo môi trường” bước đầu đã giải quyết được các khó khăn của người nông dân, đồng thời có tính ứng dụng cao. Theo nhóm sinh viên thực hiện, thành công của dự án đã tạo ra “sản phẩm giải quyết các nỗi đau của người nuôi tôm”.

 Một dự án khởi nghiệp xuất sắc khác đạt giải Nhì tại Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2020 là dự án “Sản xuất và thương mại gỗ dừa CCF” của Đại học Lâm nghiệp. Theo nhóm tác giả, hiện nay chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn gỗ truyền thống, gây ảnh hưởng đến tài nguyên môi trường, do đó cần một nguồn nguyên liệu khác để thay thế. Dự án “Sản xuất và thương mại gỗ dừa CCF” sử dụng nguyên liệu là phần thứ liệu, phế liệu của cây dừa, hiện đang bị vứt bỏ, gây ô nhiễm môi trường để sản xuất ra sản phẩm ván sàn và các sản phẩm đồ gỗ khác.

 Với việc áp dụng công nghệ hoàn toàn mới tại Việt Nam là công nghệ biến tính “nhiệt - hóa - cơ”, sản phẩm làm ra có tính chất chống chịu các vi sinh vật gây hại, màu sắc đẹp, cường độ cơ học cao và chống hút nước, từ đó có thể sử dụng đa dạng với nhiều mục đích khác nhau, từ trong nhà ra ngoài trời, giá thành rẻ.

 Một dự án xuất sắc khác, đạt giải Ba của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia là dự án “Vật liệu xây dựng UNC làm từ rác thải nhựa - Công ty CP Pando” của nhóm tác giả đến từ Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Theo nhóm thực hiện dự án, Việt Nam là quốc gia đứng thứ tư thế giới về ô nhiễm rác thải nhựa. Mỗi năm có 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được tạo ra, nhưng chỉ có 0,15 triệu tấn được tái chế. Lượng rác thải nhựa thải ra đại dương mỗi năm 0,73 triệu tấn. Để giải quyết tình trạng trên, Pando đã đưa ra giải pháp biến rác thải nhựa thành sản phẩm có tuổi đời lâu hơn, sử dụng cho các ngành xây dựng và kỹ thuật. Vật liệu UNC được tạo ra từ các nguyên liệu chính là rác thải nhựa, cốt liệu cát và phụ gia (có thể thay thế cát bằng xỉ, cát biển, đá dăm), dùng để sản xuất gạch, ngói, gạch lát, công nghệ thùng chìm, thùng nổi và công nghệ in 3D, gọi chung là sản phẩm Pando với nhiều đặc tính kỹ thuật tốt hơn so với sản phẩm truyền thống...

 Còn nhiều nữa những dự án thiết thực, hỗ trợ rất nhiều cho đời sống xã hội như: Dự án giường ngủ thông minh; dự án nền tảng kết nối toàn diện cộng đồng; dự án kẹo dẻo hỗ trợ phòng đột quỵ C-NATO... Theo Ban tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, sau 18 năm, Chương trình đã tập hợp được 5.500 dự án khởi nghiệp từ học sinh - sinh viên. Đến nay, nhiều dự án đã đi vào thực tiễn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế và của cộng đồng doanh nghiệp. Chỉ riêng năm 2020, Chương trình đã thu hút gần 600 dự án của hơn 40 trường đại học và từ 30 tỉnh, TP tham gia.

 Hướng đến mô hình bền vững của thế giới

 Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, năm 2020, phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn diễn ra sôi nổi ngay trong bối cảnh của đại dịch Covid-19. Cả năm, nước ta vẫn có trên 100.000 DN mới được thành lập.

 Đặc biệt, chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nói riêng đã có những bước tiến vượt bậc trong phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo Báo cáo Xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2020 của StartupBlink, ở khu vực Đông Nam Á, cả Indonesia và Thái Lan giảm lần lượt 13 và 17 hạng xuống vị trí thứ 54 và 50. Trong khi đó, Việt Nam tăng 13 bậc lên vị trí thứ 59, vị trí cao nhất Việt Nam đạt được trong lĩnh vực này. Nếu tính theo từng TP, Thủ đô Hà Nội vào top 200 trung tâm khởi nghiệp trên toàn cầu sau khi nhảy 33 bậc lên hạng 196 (tổng 1,261 điểm), TP Hồ Chí Minh đứng thứ 225 (tổng 0,995 điểm), TP này thậm chí chưa có tên trong danh sách năm trước.

 Năm 2020, Việt Nam là chủ nhà của ASEAN, VCCI chủ trì các hoạt động của DN Đông Á và ASEAN. Trong khuôn khổ các hoạt động đỉnh cao của cộng đồng DN, VCCI đã đề xuất và thành công trong việc tạo lập Mạng lưới khởi nghiệp ASEAN, tổ chức Diễn đàn khởi nghiệp ASEAN thường niên, tổ chức giải thưởng ghi nhận và tôn vinh các ngôi sao số... Cũng trong năm 2020, VCCI đã khởi động dự án chuyển đổi số hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa trong nước, hỗ trợ thúc đẩy thị trường cho các doanh nghiệp số Việt Nam. Bên cạnh đó còn triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp qua việc đưa bộ tiêu chí kinh doanh liêm chính vào giảng dạy cho các startup, giảng viên với mong muốn tạo sự lan tỏa trong cộng đồng khởi nghiệp và nhà đầu tư...

 Các chương trình khởi nghiệp của VCCI và Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã tạo thế liên kết rộng khắp với mạng lưới khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp trên 30 tỉnh, TP với 150 trường đại học và cao đẳng. Hiện tại, VCCI đang cố gắng kết nối mạng lưới cố vấn khởi nghiệp, hệ sinh thái nước ta với mạng lưới cố vấn, hệ sinh thái của khu vực ASEAN và toàn cầu, để nối vòng tay trong việc thúc đẩy và làm bệ đỡ cho phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam.

 Năm 2021, VCCI đã có sáng kiến phối hợp với Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc xây dựng trung tâm quốc tế về mô hình kinh doanh thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết sẽ đề nghị xây dựng trung tâm này ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là sáng kiến rất quan trọng của Việt Nam, đóng góp vào lĩnh vực xây dựng mô hình bền vững của thế giới. "Tôi mong rằng cuộc thi năm 2021 của chúng ta sẽ hướng vào kiến nghị, đưa ra các sáng kiến mô hình kinh doanh bền vững. VCCI sẽ hỗ trợ cộng đồng phát triển các dự án với mục đích xây dựng mô hình kinh doanh bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu" Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết.

"Nhìn vào kết quả của Cuộc thi Khởi nghiệp 2020, chúng ta cũng vui mừng khi thấy các dự án khởi nghiệp năm nay đã hướng vào giải quyết những "nỗi đau" của xã hội liên quan đến môi trường, bảo vệ sức khỏe, công nghệ chuyển đổi số, công nghệ cao trong nông nghiệp." - Chủ tịch VCCI - TS Vũ Tiến Lộc

Bạn đang đọc bài viết [Xu hướng] Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia hướng đến những mô hình bền vững tại chuyên mục Quốc gia khởi nghiệp của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư khoinghiep@dddn.com.vn, SĐT: (+844) 3.5772400

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây