Nghệ thuật bất tận từ sen của chàng họa sỹ trẻ xứ Huế

Thứ ba - 15/09/2020 03:18 344 0

 

Những năm gần đây, ngoài chiếc nón lá dừa, lá cọ…, hình ảnh người phụ nữ Việt bên chiếc nón lá sen đã không còn xa lạ với mọi người.

Chiếc nón lá sen ấy là sáng tạo từ họa sỹ trẻ xứ Huế Nguyễn Thanh Thảo (sinh năm 1988). Ngoài nón lá sen, chàng họa sỹ này còn sử dụng sen làm nguồn cảm hứng sáng tạo ra 16 sản phẩm độc đáo khác nhau, được du khách thập phương thích thú, đón nhận.

Từ những năm tháng còn trên giảng đường Đại học Nghệ thuật Huế (Thừa Thiên – Huế), chàng sinh viên Nguyễn Thanh Thảo đã quen với việc nghiên cứu các loại lá cây tự nhiên.

Vì vậy, khi bắt đầu khởi nghiệp, không bất ngờ khi chàng trai trẻ này lựa chọn chất liệu lá sen thân thuộc để tạo nên chiếc nón bài thơ đặc trưng của vùng đất cố đô.

"Cây sen từ lâu đã đi vào đời sống, mạch nguồn cảm hứng thi ca của người dân xứ Huế. Sen thanh cao, mộc mạc nhưng cũng rất đỗi bất khuất, kiên cường; sen xuất hiện trong kiến trúc cũng như ẩm thực văn hóa nơi đây. Vì vậy, tôi chọn sen và muốn lưu giữ, phát triển nó trong mọi tác phẩm của mình khi bắt đầu lập nghiệp" – anh Nguyễn Thanh Thảo cho biết.

Nằm trong Thành nội Huế cổ kính, Làng nghề khởi nghiệp (số 34 đường Xuân 68) của họa sỹ trẻ Nguyễn Thanh Thảo càng toát lên nét đẹp truyền thống bằng không gian nghệ thuật pha trộn giữa sen tươi và các sản phẩm sáng tạo từ nó. Bên cạnh các chum, vại trồng sen mộc mạc quanh khuôn viên làng nghề, điểm nhấn của nơi đây là gian phòng trưng bày đa dạng các tác phẩm nghệ thuật từ sen.

Trong không gian trưng bày của làng nghề, các bức tranh 3D được tạo nên từ hoa, lá và gương sen khô toát lên vẻ đẹp thanh tao, giản dị của loài quốc hoa này. Những nụ sen e ấp, cánh hoa chụm vào ôm lấy đài sen hay những bông hoa sen nở rộ trên bức tranh như vẽ lại nét đẹp người con gái Việt qua từng giai đoạn dậy thì.

 Nghệ thuật bất tận từ sen của chàng họa sỹ trẻ xứ Huế

Tranh sen của Nguyễn Thanh Thảo

Lá sen nở rộ, xanh mướt nâng đỡ sắc hoa vàng, trắng, hồng của sen tạo nên những bức tranh sinh động. Mỗi bức tranh của chàng họa sỹ trẻ xứ Huế trong không gian này lại mang một ý nghĩa, thông điệp nghệ thuật khác biệt nhưng đều xoay quanh những nét đẹp truyền thống của người dân Việt.

Bên cạnh nghệ thuật trừu tượng từ sen, các sản phẩm mang tính ứng dụng được trưng bày trong không gian Làng nghề cũng thu hút nhiều sự chú ý từ các du khách khi đến đây.

 Bước vào gian phòng trưng bày, ấn tượng đầu tiên của chị Hoàng Thị Như Loan (trú tỉnh Thừa Thiên – Huế) là không gian ấm cúng được tạo nên từ ánh sáng chiếc đèn nón sen hắt lên, chiếu sáng hàng loạt các mẫu túi xách, lọ hoa, rèm cửa, nệm… được sáng tạo, trang trí bằng lá sen.

"Giống như dấu vân tay của con người, mỗi lá sen cũng có những đường gân, nếp lá riêng biệt. Do đó, mỗi sản phẩm nghệ thuật tạo ra đều là độc bản" - Họa sỹ Nguyễn Thanh Thảo chia sẻ.

Mùa hoa sen bắt đầu chớm nở cũng là lúc lá sen được thu hái về để trang trí, tạo nên các sản phẩm như nón lá, túi xách, tranh… Lá sen được xử lý cẩn thận qua các bước ủ nước javel, phơi khô và ủi để loại  các ký sinh trùng, tạo tính dẻo dai cho lá trước khi được đem đi chế tác, tạo thành phẩm.

Việc xử lý phải đảm bảo giữ được hình dáng đường gân tự nhiên trên mỗi chiếc lá. Quá trình xử lý kéo dài từ 7-10 ngày này chính là chìa khóa tạo nên tính thẩm mỹ, độc đáo và bền bỉ cho tất cả các sản phẩm của họa sỹ trẻ Nguyễn Thanh Thảo.

Nón lá sen là sản phẩm chủ đạo của Làng nghề khởi nghiệp, được du khách thập phương yêu mến hơn cả. Mới đây, anh Nguyễn Thanh Thảo còn tạo ra những chiếc nón lá sen "xuyên sáng" với 5 sắc màu: xanh, vàng, đỏ, hồng và trắng phù hợp với đa dạng các mẫu áo dài, trang phục cách tân của người phụ nữ Việt. Các nón lá còn có thể gấp lại được, khắc phục được nhược điểm cồng kềnh xưa nay của nón lá Việt Nam.

Chị Huỳnh Thị Trang (du khách Đà Nẵng) cho biết, chị và nhóm bạn đã nghiên cứu kỹ và lựa chọn nón lá sen để đồng hành trong chuyến du lịch Thái Lan vừa qua. Khoác trên mình chiếc nón truyền thống đặc sắc từ sen khiến chị rất hãnh diện, tự hào trên mảnh đất nước bạn.

Khi nón lá sen được anh Thảo "thai nghén" cũng là lúc làng nghề làm nón Đốc Sơ (thành phố Huế, Thừa Thiên – Huế) có cơ hội được khai sinh mạnh mẽ trở lại sau thời gian dài nón lá truyền thống bị mai một.

"Ban đầu khi Thảo đưa lá sen về đây và nói với tôi làm thành chiếc nón, tôi đã rất sững sờ. Nhưng với kinh nghiệm chằm nón lâu năm, tôi cũng cố gắng thử sức và hoàn thành chiếc nón lá sen với thành quả rất ưng ý" – Chị Hồ Thị Phận (thôn Đốc Sơ, phường An Hòa, thành phố Huế, Thừa Thiên – Huế) cho hay.

Theo những chị thợ làm nón tại thôn Đốc Sơ, các thao tác làm nón lá sen tương tự như nón lá truyền thống, bao gồm các công đoạn: bắt vành, xay lá, chằm cước, đột đầu, nứt nón, đánh quai và kết xoàn. Nhưng vì yêu cầu cao về thẩm mỹ, đảm bảo giữ được những nếp gân lá tự nhiên nên mỗi ngày mỗi chị chỉ có thể hoàn thiện được một chiếc nón lá sen.

Những năm gần đây, nón lá sen xuất hiện và bán chạy nhiều trên thị trường, đặc biệt vào các mùa xuân, hạ. Nhờ đó, công việc và thu nhập của các chị em làng nghề làm nón Đốc Sơ cũng ổn định hơn. Các chị biết phân công công việc, người chuyên bắt vành, người chằm cước… cứ thế mỗi ngày 40-50 chiếc nón lá sen được hoàn thiện dưới bàn tay tài năng của các chị.

Qua các đợt dịch trong năm 2020, họa sỹ Nguyễn Thanh Thảo đã giành nhiều thời gian nghiên cứu, sáng tạo nhiều sản phẩm khác từ sen.

Đặc biệt, chàng họa sỹ trẻ này còn khai thác, tận dụng phụ phẩm (thân, lá sen khô héo) tưởng chừng như bỏ đi của sen, làm hương nhang thân thiện môi trường, an toàn với người dùng.

Sản phẩm có màu xanh và hương thơm đặc trưng của sen khi thắp lên. Hay các mẫu túi xách mang sắc xanh của lá sen được nhiều khách hàng nữ thích thú và bán chạy trên các trang mạng buôn bán trực tuyến.

"Với đặc tính giòn, dễ vụn nát nên xưa nay sen chỉ thường xuất hiện trong nghệ thuật khó có thể sáng tạo thành sản phẩm ứng dụng… nhưng tôi sẽ còn tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo nhiều sản phẩm hơn nữa để hình ảnh sen được sống mãi trong nghệ thuật, cuộc sống của người dân Việt" - Họa sỹ Thanh Thảo bộc bạch./.

Theo https://vnanet.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây